Hai tiêu chuẩn "mở đường" cho thực phẩm Việt sang châu Âu

Hai tiêu chuẩn "mở đường" cho thực phẩm Việt sang châu Âu

25/08/2018 | Tác giả: Admin


Hai tiêu chuẩn

GlobalGap và BRC là 2 tiêu chuẩn được đánh giá cao ở châu Âu. Những doanh nghiệp Việt muốn đưa thực phẩm tới thị trường châu Âu cần lưu ý những 2 tiêu chuẩn này.

Tại hội thảo "Vượt qua hàng rào kỹ thuật ngành nông sản, thực phẩm để xuất khẩu châu Âu" diễn ra tại TP HCM vừa qua, ông Nguyễn Huy, Giám đốc khối thực phẩm của Bureau Veritas Việt Nam, cho biết Việt Nam "đóng góp" nhiều vụ mất an toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang châu Âu trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này, theo ông Huy, giai đoạn 2015 trở về trước, ngành thủy sản nổi trội về các vụ liên quan đến dư lượng kháng sinh, nhiễm vi sinh vật gây bệnh.

Năm 2016 – 2017, có sự chuyển biến, theo dữ liệu từ Hệ thống cảnh báo nhanh châu Âu, các vụ việc về thuốc BVTV ghi nhận nhiều hơn số vụ vi phạm về thuốc kháng sinh trong thủy sản. Có 70% số vụ ghi nhận về rau, củ, trái cây bị vi phạm về thuốc BVTV. Và nông sản đang nổi trội hơn so với thủy sản.

Theo ông Huy, hiện có 2 tiêu chuẩn đang được đánh giá cao ở châu Âu. Doanh nghiệp Việt muốn đưa thực phẩm sang châu Âu, có thể lưu ý đến 2 tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn BRC đang "hot" ở châu Âu

Theo ông Nguyễn Huy, hiện nay tiêu chuẩn an toàn thực phẩm yêu cầu phổ biến nhất tại thị trường châu Âu có thể kể đến là tiêu chuẩn BRC, khởi nguồn từ Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc.

BRC là một nỗ lực để kết nối giữa nhà sản xuất, nhà bán lẻ và luật định của các thị trường châu Âu. Từ đó đưa ra một chuẩn mực mà có thể được thừa nhận lẫn nhau nên tiêu chuẩn này giống như một passport – một điều kiện cần để doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường. Phiên bản đầu tiên của BRC ra đời từ năm 1998, đến nay đã đến phiên bản 8 bắt đầu có hiệu lực chứng nhận từ 1/2/2018.

"Phía các nhà nhập khẩu, các nhà bán lẻ châu Âu cũng cần tiêu chuẩn này như một bằng chứng thuyết phục để họ lựa chọn các nhà cung cấp. Doanh nghiệp nào đạt được BRC sẽ có lợi thế rất lớn trong việc thuyết phục khách hàng của mình", ông Nguyễn Huy cho biết.

Tiêu chuẩn này có 12 điều khoản cơ bản, trong đó có việc truy vết nguồn gốc thực phẩm là một trong những điều quan trọng.

"Nên doanh nghiệp cần đi đầu trong việc áp dụng những luật định này, có như thế tính cạnh tranh mới cao, nhất là khi khả năng cuối năm nay Hiệp định Việt Nam – EU chính thức ký", ông Huy nói.

Ông Nguyễn Huy phân tích, hầu hết các chuỗi bán lẻ của châu Âu thừa nhận tiêu chuẩn GlobalGAP như một chuẩn mực cao trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. GlobalGAP đưa ra nhiều yêu cầu về đất, nước, môi trường, cách ứng xử với vật nuôi…

"Quá trình chứng nhận GlobalGAP cũng không quá khó khăn, khó nhất khi các vùng nuôi, hộ nông dân chưa có "thói quen" để lại các hồ sơ, bằng chứng. Nên việc đẩy mạnh việc đào tạo, nhận thức của những hộ nông dân trồng rất quan trọng".

Ngoài những yêu cầu về an toàn thực phẩm GlobalGAP còn yêu cầu thêm trong vấn đề truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay truy xuất nguồn gốc đang là xu hướng bắt buộc, vì quá nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề này. Việc áp dụng tiêu chuẩn sẽ giúp cho doanh nghiệp có những bằng chứng, chứng cứ chứng minh được nguồn gốc sản phẩm của mình.

Theo Tri thức trẻ


Tags

Chia sẻ trên