Phân phối hàng hóa

Hà Nội bảo đảm phân phối hàng hóa cho 3 phân vùng phòng, chống dịch

13/09/2021 | Tác giả: Hải Yến


Tối 3-9, thực hiện nội dung phân chia 3 vùng để phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 6 đến 21-9 theo Chỉ thị số 20/CT-UBND thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung, điều phối hàng hóa cho từng phân vùng này.

Hà Nội bảo đảm phân phối hàng hóa cho 3 phân vùng phòng, chống dịch
Các hệ thống phân phối bán lẻ bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong thời gian giãn cách phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ động nguồn hàng hóa gấp 2 đến 3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường

Cụ thể, tại Phân vùng 1, có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết.

Các hệ thống này bảo đảm cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu dân. Các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng hóa gấp 2 đến 3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường, dự trữ tại các kho bên trong và ngoài Phân vùng 1 và thường xuyên điều tiết hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ. Đồng thời, phối hợp Ban quản lý chợ, các địa phương tổ chức bán hàng lưu động hoặc hỗ trợ vận chuyển cung ứng hàng hóa.

Đối với các chợ trong Phân vùng 1, tiểu thương chủ động lấy hàng từ nguồn đầu mối tại chỗ. Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ, thành phố sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ.

Sở Công Thương sẽ chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống, giữa các vùng 1, 2, 3 và tăng cường bổ sung hàng hóa về các kho hàng và điểm bán liên tục 24/24 giờ.

Các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng cho phép xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông bình thường qua các chốt kiểm soát và các phân vùng, bảo đảm không đứt gãy nguồn cung. Các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi Công an thành phố cấp mã nhận diện (đối với xe ô tô) và cấp giấy phép đi đường cho người đi xe máy.

Xe ô tô được phép hoạt động theo quy định thực hiện cung ứng, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, các vùng vào Vùng 1. Người giao hàng công nghệ chỉ hoạt động trong Phân vùng 1.

Người dân trong Phân vùng 1 được UBND quận, huyện phát Phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán. Bên cạnh đó, được phép mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến: Các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận, huyện. UBND các phường, xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm… để người dân tham gia mua sắm.

Đối với các Vùng đỏ, khu vực cách ly, phong tỏa, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng giao hàng công nghệ, các lực lượng khác như phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố… để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt).

Còn lại, tại Phân vùng 2 và Phân vùng 3, hiện có tổng 23 siêu thị, 300 chợ, 4.451 cửa hàng tiện ích, 1.491 điểm bố trí bán hàng lưu động… Phương án vận chuyển và cung ứng hàng hóa thực hiện theo Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 7-8-2021 của UBND thành phố về việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội.

Tính đến ngày 31-8, thành phố Hà Nội có 51.111 xe ô tô được cấp Luồng xanh quốc gia; 26.133 xe máy được cấp mã QR của Sở Giao thông Vận tải. Bên cạnh đó, mỗi quận, huyện, thị xã huy động trung bình 5 xe tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa. Dự kiến, Sở Giao thông Vận tải sẽ huy động 528 xe tải của các doanh nghiệp tham gia vào cung ứng, vận chuyển hàng hóa.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, thành phố Hà Nội bảo đảm chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn. Do đó, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.

Đa dạng các hình thức bán hàng

Thông tin về kết quả triển khai trong 3 đợt giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp nên thành phố Hà Nội đã đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân. Mặc dù, có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị tạm đóng cửa nhưng chính quyền và hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện.

Các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; chủ động đưa hàng về các kho trong thành phố. Các cơ sở chế biến tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối. Hiện, đã có gần 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội.

Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối đa dạng các hình thức bán hàng (bán hàng truyền thống, bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, bán hàng không người bán, đăng ký phục vụ 24/24/7...) để phục vụ nhân dân.

Sở Công Thương cũng đã công khai 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng online để cung cấp cho người dân tham gia mua sắm trực tuyến, nhờ đó giảm tải việc người dân đến trực tiếp các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/


Chia sẻ trên

11/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Phát triển mô hình HTX VietGAP

Thời gian qua, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế HTX.

13/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Giá tiêu hôm nay 13/9, đi ngang, thấp nhất 76.000đ/kg; nhận định diễn biến thị trường 2 tuần cuối tháng 9

Ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị, hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung gia vị và hương liệu quan trọng cho thị trường thế giới.

11/09/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Cách nào để biến hàng trăm triệu tấn "rác" nông nghiệp thành tiền?

Năm 2020, tổng phụ phẩm nông nghiệp thải ra hơn 156 triệu tấn. Theo Thứ trưởng Trần Thành Nam, nếu như được đầu tư, chế biến nghiêm túc sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, tăng thêm thu nhập cho nhà nông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vậy làm sao để có thể biến 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp này thành tiền?