Giá thịt lợn trong nước giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại
09/11/2018 | Tác giả: Duyên Duyên
Trong tháng 10/2018, giá lợn hơi trên cả nước giảm từ 1.000 - 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 9, tuy nhiên dự báo trong những tháng tới giá thịt lợn hơi vẫn duy trì ở mức cao.
Báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện giá lợn hơi tại miền Bắc giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg, giao dịch trong ngưỡng 45.000 - 51.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi giao dịch quanh mức 45.000 - 52.000 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 5.000 đồng/kg.
Riêng tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi chỉ giảm nhẹ 1.000 đồng/kg so với cuối tháng trước, giao dịch quanh mức 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Mặc dù giá lợn hơi giảm nhẹ tuy nhiên theo khảo sát ngày 5/11/2018, giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ ở Hà Nội vẫn dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia kinh tế chuyên về lĩnh vực nông nghiệp đánh giá, mặc dù giá thịt lợn hơi tháng 10/2018 đã giảm so với tháng trước, tuy nhiên mức giảm này là không sâu và không thể kéo dài.
"Theo thông lệ hàng năm, ba tháng cuối năm luôn là những tháng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao nhất, đặc biệt là tháng Chạp. Mặc dù đàn lợn nuôi trong dân đã gia tăng trở lại tuy nhiên chỉ ở mức đủ đáp ứng nhu cầu chứ không dư thừa như trước đây. Vì vậy, nhiều khả năng giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng trở lại trong tháng 11, tháng 12 dương lịch, vào tăng cao trong tháng cuối âm lịch", vị chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cùng chung nhận định. Hai cơ quan này bổ sung thêm một nguyên nhân khác có thể khiến giá lợn hơi trên cả nước duy trì ở mức cao là tác động của dịch tả lợn châu Phi (ASF).
Cụ thể, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia, hiện đã lây lan tới phía Nam của Trung Quốc. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, Trung Quốc đã có 49 đợt bùng phát dịch tả lợn tại 12 tỉnh và khu tự trị, dẫn đến việc tiêu hủy hàng trăm ngàn con lợn, đẩy giá thịt lợn tại nước này tăng cao.
Từ đó, Bộ Công Thương khuyến nghị các cấp các ngành cần chủ động có biện pháp ngăn chặn bệnh dịch xâm nhập vào Việt Nam.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 10/2018, đàn lợn cả nước tăng 2,1%. Tính riêng quý 3/2018, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 834,2 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng thịt lợn toàn cầu trong năm 2019 tăng 1,4% so với năm 2018, tương đương với tăng 3,8% so với mức trung bình trong 5 năm trước. Trong khi tăng trưởng dân số thế giới vào khoảng 1% mỗi năm. Như vậy, tăng trưởng sản lượng thịt lợn thế giới phù hợp với tăng trưởng dân số.
Trung Quốc có thể vẫn là quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới. Năm 2018, Trung Quốc được dự báo chiếm 48% sản lượng thịt lợn thế giới, nhưng ước giảm 1,4% so với 5 năm trước (năm 2013).
Liên minh châu Âu (EU), với 28 quốc gia thành viên, chiếm 21% sản lượng thịt lợn thế giới, trong khi Hoa Kỳ sản xuất 11% tổng sản lượng toàn cầu. Braxin và Nga là nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ tư và thứ năm thế giới.
Riêng Việt Nam là quốc gia sản xuất thịt lợn nhiều thứ sáu thế giới.
Theo Vneconomy