Đồng Nai: Ngăn chặn việc ""xé nhỏ"" đất nông nghiệp để xây dựng trái phép

Đồng Nai: Ngăn chặn việc ""xé nhỏ"" đất nông nghiệp để xây dựng trái phép

12/10/2021 | Tác giả: Hải Yến


UBND tỉnh vừa lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về dự thảo tách thửa đất để khắc phục những hạn chế trong quản lý, sử dụng đất. Vấn đề các địa phương quan tâm nhất là quy định mới phải ngăn chặn được tình trạng tách nhỏ thửa đất nông nghiệp rồi lén lút xây dựng trái phép.

Đồng Nai: Ngăn chặn việc
H.Xuân Lộc là nơi có nhiều người mua đất nông nghiệp rồi tách thửa. Ảnh: K.Minh

Ngày 8-6-2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm áp dụng, quy định trên có nhiều điểm không còn phù hợp và vẫn có những kẽ hở để một số tổ chức, cá nhân “lách” luật, tách nhỏ đất nông nghiệp để mua đi bán lại kiếm lời.

* 40 người đồng sở hữu… 1 thửa đất nông nghiệp

Từ khi những dự án hạ tầng giao thông lớn cấp quốc gia, vùng trên địa bàn tỉnh được triển khai, đất đai của Đồng Nai trở nên có giá trị hơn; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh đầu cơ vào đất đai ngày càng nhiều. Trong đó, đất nông nghiệp được mua đi bán lại và tách thửa nhiều nhất khiến các địa phương rất lo lắng và nặng gánh trong việc quản lý đất đai vì tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thường xuyên xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho hay: “Trong 3 năm qua, người dân ở TP.HCM, tỉnh Bình Dương về H.Xuân Lộc mua đất nông nghiệp rất nhiều. Sau khi chuyển nhượng xong, đất nông nghiệp được tách thành 8-10 thửa/ha để sang nhượng liên tục. Có những thửa đất nông nghiệp chỉ 1 ngàn m2 có đến hơn 10 người đồng sở hữu. Huyện rất lo lắng các trường hợp trên, vì đất nông nghiệp bị tách nhỏ không còn sản xuất dẫn đến hiệu quả từ đất nông nghiệp rất thấp”.

Cũng theo ông Linh, việc ngăn chặn người dân tách nhỏ đất nông nghiệp là không thể, vì theo quy định của UBND tỉnh, đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn diện tích tối thiểu để tách thửa là 1 ngàn m2, khu vực đô thị là 500m2. Căn cứ vào quy định trên, nhiều người dân đầu cơ đất đã tách đất nông nghiệp thành nhiều thửa nhỏ với diện tích tối thiểu.

Tương tự, các huyện: Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, Định Quán... cũng gặp trường hợp như H.Xuân Lộc. Những thửa đất nông nghiệp được tách nhỏ nếu chính quyền các xã, phường, thị trấn chỉ cần lơ là trong quản lý sẽ xuất hiện ngay các công trình xây dựng trái phép. Đặc biệt, những khu vực có đông công nhân, người lao động từ nơi khác đến sinh sống, có trường hợp 10-15 người cùng sở hữu một thửa đất khoảng 1 ngàn m2, nhiều người cho rằng đây là hình thức phân lô, bán nền trá hình.

Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường, qua rà soát, tại Đồng Nai có nhiều trường hợp nhiều người đồng sở hữu 1 thửa đất nông nghiệp, cá biệt có trường hợp đến 40 người đồng sở hữu 1 thửa đất nông nghiệp khoảng 1 ngàn m2. Trước bất cập này, Sở sẽ góp ý trong Luật Đất đai sửa đổi tới đây để có biện pháp hạn chế tình trạng trên.

Trong 5 năm tới, Đồng Nai sẽ phát triển nhiều khu công nghiệp, dự tính đến năm 2025 sẽ thu hút thêm khoảng 450 ngàn lao động đến làm việc trong các khu công nghiệp. Như vậy, trong các khu công nghiệp của tỉnh sẽ có hơn 1 triệu lao động, kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở. Vì thế, nếu không có giải pháp quản lý chặt chẽ việc tách nhỏ các thửa đất nông nghiệp rất dễ dẫn đến xây dựng trái phép.

* Cần ngăn chặn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn trường hợp tách nhỏ các thửa đất nông nghiệp ở diện tích tối thiểu. Đại diện một số sở, ngành cho rằng, các địa phương muốn ngăn chặn xây dựng trái phép từ những thửa đất nông nghiệp bị tách nhỏ nên chú ý những trường hợp đồng sở hữu nhiều người trên cùng một diện tích nhỏ. Vì các trường hợp mua đất kiểu đó đa số là để xây dựng nhà ở, không quản chặt sẽ hình thành các khu dân cư tự phát, kéo theo hàng loạt hệ lụy khác như hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, ngập lụt...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, các huyện, thành phố phải quản lý thật chặt chẽ đất đai trên địa bàn. Vì trong thời gian tới, nhiều công trình hạ tầng giao thông của tỉnh sẽ được xây dựng và kết nối, đất đai của Đồng Nai sẽ tiếp tục được nhiều tổ chức, cá nhân mua để đầu tư. Do đó, các địa phương phải chú ý để tránh một số tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật về đất đai để phân lô, bán nền đất nông nghiệp.

Liên quan đến vấn đề đất nông nghiệp ở các địa phương bị tách thành nhiều thửa nhỏ, chuyển nhượng cho nhiều người đồng sở hữu dẫn đến xây dựng trái phép, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu: “Sở TN-MT xem xét ghi rõ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với những thửa đất nông nghiệp tách thửa là: tuyệt đối không được xây dựng công trình trên đất này, nếu xây dựng công trình sẽ áp dụng ngay hình thức cưỡng chế để trả lại nguyên hiện trạng. Ghi chú rõ như vậy, người mua đất với ý định xây dựng nhà trên đất nông nghiệp sẽ từ bỏ, các địa phương bớt áp lực trong tách thửa đất nông nghiệp rồi xây dựng trái phép”.

Nhiều địa phương còn đề xuất bổ sung vào quy định mới về tách thửa là không cho tách thửa đất nông nghiệp thành nhiều thửa để cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc tách thửa đất để chuyển nhượng. Tuy nhiên, quy định về tách thửa mới phải căn cứ vào các luật liên quan và Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18-12-2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết về Luật Đất đai cho phù hợp. Theo đó, việc không cho tách một thửa đất nông nghiệp lớn thành các thửa nhỏ là không phù hợp. Thế nhưng, trong giấy chứng  nhận quyền sử dụng đất cần ghi chú rõ ràng như trên và các xã, phường quản lý chặt đất đai thì có thể ngăn chặn được tách thửa với mục đích xây dựng trái phép.

Nguồn: http://www.baodongnai.com.vn/


Tags

Chia sẻ trên

12/10/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã mở rộng hơn 180 quốc gia

Thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã mở rộng hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, có sự di chuyển tích cực từ thị trường phân khúc trung bình, sang phân khúc cao cấp hơn.

12/10/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Thái Nguyên: Phú Lương: 100% HTX đã chuyển đổi và hoạt động theo kiểu mới

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Lương có 9 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX trong toàn huyện là 57 (trong đó trên 80% là HTX lĩnh vực nông nghiệp, còn lại là lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng, vận tải).

11/10/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Quỹ Khuyến nông Hà Nội: Thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng bền vững

“Hoạt động với nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận, 19 năm qua, Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội (QKN) đã cho hàng nghìn hộ nông dân, chủ trang trại vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. QKN còn đóng vai trò quan trọng trong việc nhân rộng các mô hình khuyến nông tiên tiến thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp Thủ đô bền vững”