Thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng

Quỹ Khuyến nông Hà Nội: Thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng bền vững

11/10/2021 | Tác giả: Hải Yến


“Hoạt động với nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận, 19 năm qua, Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội (QKN) đã cho hàng nghìn hộ nông dân, chủ trang trại vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. QKN còn đóng vai trò quan trọng trong việc nhân rộng các mô hình khuyến nông tiên tiến thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp Thủ đô bền vững”

Quỹ Khuyến nông Hà Nội: Thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng bền vững
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương. Ảnh: Ngọc Ánh

Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của QKN trong 19 năm qua?

- Tôi khẳng định nguồn vốn QKN với việc cho vay ưu đãi không vì mục tiêu lợi nhuận, mức vốn vay và thời gian vay phù hợp đã giúp hàng nghìn hộ nông dân, chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao; từ đó cải thiện đời sống, phát huy nội lực làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Về hiệu quả kinh tế, trong 19 năm (2002 – 2021), QKN đã giải ngân cho 4.081 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là 829.786,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí QKN đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn sản xuất của các chủ trang trại, hộ sản xuất. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động nông thôn với mức thu nhập trung bình từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng; góp phần khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai, mặt nước hiệu quả, tạo giá trị sản phẩm hàng hóa đạt từ 250 – 500 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh bạn và hướng tới xuất khẩu; tạo đầu mối kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp giữa các hộ, các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung. Giá trị sản phẩm của các phương án tăng từ 10 – 30% so với khi chưa được vay vốn QKN.

Về mặt hiệu quả xã hội, QKN đã góp phần khai thác các tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề, tiềm năng về khoa học kỹ thuật; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại. QKN góp phần quan trọng nhân rộng các mô hình khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật có hiệu quả thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: Vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Đông Ngạc, Đại Mỗ (Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ. Đặc biệt là vùng chuyển đổi chăn nuôi – thủy sản xã Liên Châu (huyện Thanh Oai), xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai).

Ngoài ra, các phương án vay vốn QKN còn tạo ra nhiều mô hình điểm thu hút đông đảo cán bộ khuyến nông, nông dân các vùng tới tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm.

Cán bộ Quỹ Khuyến nông Hà Nội hướng dẫn người dân Quốc Oai hoàn tất thủ tục vay vốn (đợt giải ngân tháng 10/2019). Ảnh: Ngọc Ánh

Vậy theo bà, đâu là “bí quyết” để QKN TP luôn đươc vận hành quản lý, sử dụng, bảo toàn hiệu quả, đúng mục đích?

- Trước tiên là chuyên môn hóa công tác quản lý QKN với việc thành lập các Hội đồng thẩm định và Tiểu ban quản lý cấp TP do Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng. Giám đốc QKN làm Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng là lãnh đạo một số phòng chuyên môn của Sở NN&PTNT và của Sở Tài chính Hà Nội. Cấp cơ sở có Hội đồng thẩm định cấp cơ sở và Tiểu ban quản lý QKN thuộc các trạm khuyến nông quận, huyện, thị xã.

Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về QKN, Trung tâm chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác QKN; tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân, chủ trang trại về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tổ chức sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Đặc biệt, Trung tâm chỉ đạo các phòng chuyên môn, Tiểu ban quản lý QKN tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động sử dụng vốn vay tại cơ sở; tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ vay vốn sản xuất theo phương án đã được phê duyệt nhằm bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả cũng như kịp thời nắm bắt và hỗ trợ xử lý những vướng mắc, khó khăn của các hộ vay vốn.

Mặt khác, các phương án vay vốn QKN thường xuyên có các cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông kiểm tra tư vấn, hướng dẫn cả về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp các hộ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và tổ chức sản xuất có hiệu quả.

Trang trại nuôi vịt đẻ ứng dụng công nghệ cao của hộ anh Lê Văn Trẻo, ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Ánh 

Trong thời gian tới, hoạt động của QKN có gì đổi mới và mục tiêu cụ thể ra sao?

Hiện nay, chúng tôi đang rà soát cơ chế, chính sách bất cập liên quan đến côn tác quản lý QKN để đề xuất với Sở Nội Vụ, Sở Tài Chính báo cáo UBND TP Hà Nội sửa đổi, bổ sung. Mặt khác, chỉ đạo cán bộ quản lý QKN khảo sát, ưu tiên cho vay đối với mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, các mô hình nằm trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt là tiến tới số hóa công tác quản lý bằng việc đầu tư xây dựng phầm mềm quản lý QKN.

Giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu của QKN là tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn Thủ đô theo hướng hiện đại và phát triển bền vững.

Song song với đó, thực hiện tốt Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội. Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tạo nhiều sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng cho người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục nâng cao thu nhập đời sống cho nông dân, lao động vùng ngoại thành Hà Nội.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tính đến ngày 22/9/2021, QKN đã bảo toàn nguồn vốn 163 tỷ đồng do ngân sách TP cấp, đồng thời bổ sung tăng nguồn vốn QKN từ các khoản thu phí quản lý 0,2%/tháng và thu 10% giá trị sản phẩm tăng lên (giai đoạn 2002 – 2007) và thu phí quản lý 0,5%/tháng (giai đoạn từ 2008 đến nay) với tổng số vốn được bổ sung là 18.142 tỷ đồng.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/


Chia sẻ trên

11/10/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Chuyển đổi số tạo diện mạo mới cho nông nghiệp Nhật Bản

Văn phòng nội các Nhật Bản đã đưa ra định hướng phát triển nông nghiệp dựa trên 3 nền tảng: Dữ liệu lớn - Internet vạn vật (IoT) - Trí tuệ nhân tạo (AI).

12/10/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã mở rộng hơn 180 quốc gia

Thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã mở rộng hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, có sự di chuyển tích cực từ thị trường phân khúc trung bình, sang phân khúc cao cấp hơn.

11/10/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Thanh Hoá: Chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa mưa, bão

Công ty TNHH MTV Sông Chu (sau đây gọi tắt là Công ty Sông Chu) được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, khai thác 74 hồ chứa nước, 49 trạm bơm tiêu và tưới, tiêu kết hợp, 8 hệ thống tiêu và cống tiêu lớn trên địa bàn 16 huyện, thị xã, thành phố.