Phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Để đồng bằng sông Cửu Long phát triển rất cần những dự án có tính kết nối và liên kết vùng

05/08/2021 | Tác giả: Hải Yến


Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí địa kinh tế, địa chiến lược quan trọng, hội đủ những yếu tố, tiềm năng, thế mạnh của kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển cần đầu tư hệ thống giao thông, tạo sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng, liên kết giữa các tỉnh Đông Nam Bộ, nhất là TP Hồ Chí Minh với đồng bằng sông Cửu Long.

Để đồng bằng sông Cửu Long phát triển rất cần những dự án có tính kết nối và liên kết vùng
Giai đoạn hai của dự án Cảng quốc tế Long An được khẩn trương xây dựng. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN

“Vựa lúa và thủy sản”

Theo bà Tô Ái Vang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, trong nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích gần 4 triệu héc-ta, dân số 17,5 triệu người, hằng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây xuất khẩu, 95% lượng gạo và 60% lượng cá của cả nước. Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp, giữ vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, vùng ĐBSCL đã có những chuyển mình mạnh mẽ, kinh tế - xã hội có bước phát triển nhanh, sinh kế, đời sống của nhân dân, từng bước được cải thiện.  Thời gian qua, một số cơ chế, chính sách đã được rà soát, bổ sung, quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành.

Mặc dù có những lợi thế riêng biệt, song đến nay, sản xuất nông nghiệp của vùng vẫn chưa ổn định, thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường.  

Về kinh tế biển, ĐBSCL với hơn 700 km bờ biển và trên 360.000 km2 vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế. Biển có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Biển và tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển.  

Tuy nhiên, hiện nay biển đang có nhiều thách thức, như ô nhiễm môi trường biển và cạn kiệt nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chưa quan tâm đúng mức về phát triển nguồn nhân lực biển để trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển, nhằm khai thác, phát triển kinh tế biển, mở ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL để thực sự hướng ra biển và giàu lên từ biển.

Tổng mức đầu tư cho vùng ĐBSCL không phải là nhỏ

Để phát kinh tế nông nghiệp bền vững, bà Tô Ái Vang cho rằng Chính phủ sớm phê duyệt ban hành quy hoạch vùng ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường đầu tư hệ thống giao thông, tạo sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng, liên kết giữa các tỉnh Đông Nam Bộ, nhất là TP Hồ Chí Minh với ĐBSCL. Thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương trong vùng. Nguồn vốn đầu tư công cho các công trình, dự án có tính kết nối và liên kết vùng.

“Cần ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển ĐBSCL, ưu tiên các lĩnh vực, như năng lượng tái tạo, hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường. Nghiên cứu và phát triển các thành tựu khoa học, công nghệ phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh nhằm khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa những tiềm năng sẵn có của vùng. Sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoạt động theo Quyết định 825 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, bà Tô Ái Vang kiến nghị.

Có ý kiến cho rằng tỷ lệ phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các tỉnh ĐBSCL thời gian qua chưa tương xứng, chưa công bằng. Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng nhận định này không đúng.  

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trong giai đoạn 2016-2020 tỷ trọng ngân sách của Trung ương đầu tư cho các tỉnh ĐBSCL chiếm 17% vốn ngân sách, tỷ lệ này không phải là nhỏ. “Bên cạnh đó Trung ương cũng đã đầu tư các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, rồi các công trình đầu tư công của Trung ương vào  địa phương... cộng lại thì không hề nhỏ”, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết.

Lấy ví dụ về vốn đầu tư cho một công trình ở ĐBSCL, ông Lê Thanh Vân lý giải: Do nền đất yếu, hay sụt lún cộng với điều kiện vận tải và nguyên vật liệu không có tại chỗ nên chi phí đầu tư cho một công trình ở ĐBSCL thường cao hơn các nơi khác.

“Đáng lý nếu đầu tư 10 đồng ở những nơi thuận lợi chúng ta có thể làm được 2 công trình, nhưng ở ĐBSCL do đặc điểm về địa lý về kết cấu hạ tầng cho nên chỉ làm được khoảng 0,7 công trình. Như vậy là thấp hơn so với tổng đầu tư”, ông Lê Thanh Vân phân tích.

Cũng theo ông Vân, trong giai đoạn tới Trung ương tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư cho ĐBSCL cao hơn. Nếu như giai đoạn trước vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư khoảng 1.000.000 tỷ đồng (tương ứng 17%) cộng với các khoản hỗ trợ khác thì trong giai đoạn tới sẽ nâng lên 1.500.000 tỷ đồng (bằng 19,36%) cộng với gần 2 tỷ đô la của các nhà tài trợ quốc tế cam kết bằng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi cho ĐBSCL.

"Dự kiến nguồn kinh phí này sẽ phân bổ cho ĐBSCL chống biến đổi khí hậu tương ứng khoảng 46.000 tỷ đồng, chiếm gần 27% tổng mức đầu tư. Như vậy là rất lớn và hiện nay theo kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đầu tư cho ĐBSCL đang đứng số một trong chi ngân sách", đại biểu Llee Thanh Vân cho hay.

Kinh tế biển được xác định có vị trí, vai trò và tầm quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông đường vành đai ven biển. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đầu tư tuyến đường ven biển vùng ĐBSCL.

Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL mong muốn Chính phủ giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư tại ĐBSCL gắn với quy hoạch vùng và địa phương nhằm phát triển hành lang kinh tế ven biển, xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển đô thị, phát triển các trung tâm kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế quốc phòng vùng ven biển, vùng biên giới biển đáp ứng yêu cầu phát triển và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Ban hành cơ chế liên kết giữa các vùng biển, ven biển, vùng ven biển với vùng nội địa, địa phương có biển với địa phương không có biển với các ngành, các lĩnh vực. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển.

Nguồn: https://baotintuc.vn/ 


Chia sẻ trên

05/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Nguy cơ dư thừa 600.000 tấn rau củ quả tại các tỉnh phía Nam

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp từ đầu năm 2021 đến nay vẫn đạt 3,82%. Bên cạnh đó, năng suất nhiều sản phẩm chủ lực tăng mạnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và tăng trưởng của cả nước.

06/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Doanh nghiệp Việt Nam được chọn hỗ trợ chuyên sâu trong công nghệ nông nghiệp

Tại Chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư trong công nghệ nông nghiệp đã lựa chọn được một số doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam để hỗ trợ chuyên sâu trong công nghệ nông nghiệp.

05/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Hà Nội: Gỡ khó cho tiêu thụ, lưu thông nông sản mùa dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chủ động phối hợp với các địa phương nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, ngành nông nghiệp đang vào cuộc quyết liệt hỗ trợ DN, hợp tác xã, nông dân khơi thông việc tiêu thụ, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản trên địa bàn TP.