Có công nghiệp robot đứng đầu thế giới, nền nông nghiệp Nhật Bản vẫn "trông chờ" vào những bàn tay đến từ Việt Nam
26/12/2018 | Tác giả: Minh Đức
Với chính sách mới, sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại Nhật Bản mở ra cho người lao động nước ngoài, bao gồm cả Việt Nam.
Theo trang Bloomberg, quyết định mới đây của Quốc hội Nhật Bản nới lỏng các quy định cho phép người lao động quốc tế tới nước này làm việc là minh chứng cho thấy, bất chấp sự hỗ trợ của chính phủ và hàng triệu USD đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của các tập đoàn hàng đầu nước này từ Kubota tới Panasonic…, robot vẫn chưa thể sớm thay thế hoàn toàn sức lao động của người nông dân tại xứ sở Mặt trời mọc.
Một người lao động Việt Nam thu hoạch cà chua tại một trang trại ở Asahi, tỉnh Chiba (Nhật Bản) hôm 16/12
Đối với ông, Yasuji Kakuzaki, một chủ trang trại cà chua tại tỉnh Chiba, vấn đề chi phí có ý nghĩa sống còn.
"Chúng tôi không có đủ khả năng tài chính cho sản xuất tự động hóa", ông cho biết. Ông chủ 67 tuổi đồng thời thể hiện sự hoan nghênh đối với chính sách mới của chính phủ. Trước đó, ông cũng đã "tận dụng" chương trình cho phép người lao động nước ngoài làm việc ở Nhật Bản như "thực tập sinh", để thuê 5 người lao động tới từ Việt Nam.
Một trong những người này là chị Tran Thi My. Bắt đầu làm việc từ tháng 2/2016. Mỗi ngày chị My làm 7 tiếng, liên tục 6 ngày/tuần với mức lương 895 yên/giờ (khoảng 188.000 VNĐ). Là mức lương tối thiểu ở tỉnh Chiba, tuy nhiên, sau khi kết thúc hợp đồng ba năm, chị cũng đã tiết kiệm đủ tiền để mua nhà ở Việt Nam
Từ 10 năm trước, ông Kakuzaki đã bắt đầu thuê thực tập sinh đầu tiên, sau khi công việc đồng áng trở nên quá sức đối với ông vì gánh nặng tuổi tác. Bên cạnh đó, để thuê người dân bản xứ làm việc ở mức lương tối thiểu theo quy định của chính phủ, không còn là việc dễ dàng. Kể từ thời điểm đó, quy mô trang trại của ông đã được mở rộng thêm thành khoảng 2 hecta.
Tổng số tiền lương hàng năm mà ông Kakuzaki phải trả cho 5 người lao động Việt Nam là khoảng 10 triệu yên. Mỗi năm ông thu được 50 triệu yên từ trang trại cà chua của mình. Và trong khi đó, hệ thống robot thu hoạch cà chua tự động mà tập đoàn Panasonic đang chế tạo, sẽ không được tung ra thị trường ít nhất là trước năm 2020.
Các chuyên gia kinh tế và chính sách Nhật Bản dự đoán, các nhà sản xuất nông nghiệp nước này sẽ phải dựa rất nhiều vào nguồn lao động nước ngoài trong những năm tới. Cho tới tháng 3/2024, con số người lao động nước ngoài tại Nhật Bản có thể sẽ được mở rộng lên tới 36.500 người - chỉ tính riêng trong ngành nông nghiệp. Các ngành công nghiệp khác cũng "gia nhập" xu thế trên bao gồm chăm sóc sức khỏe, nhà hàng và khách sạn…
"Tôi lo ngại rằng, việc thuê các công nhân nước ngoài như một giải pháp cho tình trạng thiếu lao động tại Nhật Bản, có thể phá hỏng những nỗ lực cải thiện hiệu quả sản xuất thông qua sáng tạo công nghệ trong lâu dài", Hisakuzu Kato, một giáo sư kinh tế tại Đại học Meiji, Tokyo, đánh giá. "Nếu chi phí thuê lao động nước ngoài thấp hơn tiền mua máy móc, sẽ không còn ai muốn đầu tư nữa".
Năm ngoái, theo thống kê của Bộ Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ nông dân nước này đã giảm 56% so với năm 1995, xuống còn 1,82 triệu người. Độ tuổi trung bình của họ cũng tăng từ 59 lên 67 do con cháu người nông dân thường không muốn nối nghiệp ông cha mình; mà thay vào đó, lựa chọn những công việc văn phòng với mức lương cao hơn tại các thành thị lớn.
Để góp phần giải quyết vấn đề, kể từ năm 2014, Nhật Bản đã thực thi chính sách "nông nghiệp thông minh" với mục tiêu đẩy mạnh áp dụng công nghệ và robot làm tăng sản lượng. Các "ông lớn" sản xuất máy móc như tập đoàn Kubota đã phát triển các mẫu máy cày tự lái có giá thành lên tới 11 triệu yên hay máy bay xịt thuốc trừ sâu không người lái… Chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven Nhật Bản sẽ khai trương trang trại trồng rau diếp hoàn toàn tự động đầu tiên trong năm sau. Được biết chi phí xây dựng trang trại này vào khoảng 6 tỷ yên.
Thị trường nông nghiệp thông minh của Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng trưởng 14% lên 14,7 tỷ yên trong năm 2018, và sẽ tăng gấp đôi lên 33,5 tỷ yên trong 5 năm tới. Tuy nhiên, luật mới cũng đồng nghĩa với việc, số lượng người lao động nước ngoài tới Nhật Bản cũng sẽ tăng 5 lần trong cùng thời kỳ. Cùng lúc chương trình thực tập sinh vẫn được tiếp tục. Tính đến cuối tháng Sáu vừa qua, có khoảng 285.000 thực tập sinh được thuê tại Nhật Bản, tăng 4% so với cuối năm 2017.
Tuy nhiên, Kazuki Ishida, một nhà kinh tế học cảnh báo, lao động nước ngoài không phải là một giải pháp lâu dài. "Với mức chênh lệch lương giữa Nhật Bản và các nước châu Á đang thu hẹp, và người công nhân nông nghiệp đang được trả lương thấp nhất trong số các ngành nghề tại Nhật Bản, tình trạng thiếu lao động trong ngành nông nghiệp có lẽ sẽ vẫn tiếp tục", ông nhận định.
Theo Báo điện tử Tổ Quốc