Sản xuất nông nghiệp

Bố trí đất đai, sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại tại huyện Nga Sơn

21/07/2021 | Tác giả: Hải Yến


So với nhiều huyện trong tỉnh, Nga Sơn là địa phương có diện tích đất nông nghiệp không lớn. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, huyện ven biển này đang vươn lên thành một trong những vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nga Sơn, nhiệm kỳ 2020–2025 xác định, nông nghiệp chính là 1 trong 2 khâu đột phá của địa phương. Trong đó, tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất theo hướng hiện đại đang được huyện chú trọng thực hiện.

Bố trí đất đai, sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại tại huyện Nga Sơn
Cánh đồng trồng dưa hấu tập trung tại xã Nga Trung.

Tại thôn 2, xã Nga Phượng, mô hình tích tụ 5 ha đất nông nghiệp vốn cằn cỗi trước kia của gia đình ông Mai Khắc Hạt đã trở thành điển hình sản xuất của huyện Nga Sơn. Vừa trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây dựng nhà lưới trồng dưa, mùa nào thức ấy, mỗi năm gia đình ông Hạt có thu nhập hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Trên một xứ đồng khác thuộc thôn Đồng Đội cùng xã, mô hình kinh tế tổng hợp rộng 3 ha theo hướng công nghệ cao của anh Phạm Đồng Quê, có tổng vốn đầu tư cho xây dựng chuồng trại, hạ tầng tới 5 tỷ đồng. Có quỹ đất, chủ cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống trại lợn hiện đại, các ao nuôi tôm và cá, hơn 2.500m2 nhà lưới canh tác dưa Kim Hoàng Hậu và các loại củ, quả giá trị kinh tế cao... Sự năng động và phát triển nông nghiệp đúng xu thế hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm đã đem về lợi nhuận trung bình hằng năm khoảng 1 tỷ đồng. Cùng với tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nhiều gia đình ở xã Nga Phượng còn đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới để phát triển các mô hình trồng trọt theo hướng công nghệ cao. Theo ông Ngô Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Nga Phượng, tính đến giữa tháng 7–2021 này, toàn xã phát triển được 16.650m2 nhà lưới sản xuất nông nghiệp. Trong xã, 11 hộ gia đình đầu tư phát triển nhà lưới đều sản xuất nông nghiệp hiệu quả, điển hình như các ông: Mai Văn Thể, Trịnh Văn Sơn, Trần Văn Thực, Mai Văn Hưởng...

Bố trí quỹ đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn theo hướng công nghệ cao đã trở thành một phong trào, một chính sách khuyến khích tại huyện Nga Sơn hiện nay. Thống kê từ UBND huyện Nga Sơn, đến thời điểm giữa tháng 7 này, toàn huyện đã có 24/24 xã thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích được tích tụ, tập trung đạt khoảng 400 ha. Theo kế hoạch tỉnh giao và mục tiêu của huyện, đến hết năm 2021 này, Nga Sơn phấn đấu nâng tổng diện tích tích tụ lên hơn 450 ha cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Tích tụ, tập trung đất đai ở đây chủ yếu bằng 3 hình thức: thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cho chủ thể sản xuất nhận thầu khoán. Ngoài ra, còn hình thức góp đất để sản xuất thành các vùng rau chuyên canh tại các xã Nga Thành 3 ha, Nga Yên 11 ha, Nga Thạch 3 ha; vùng liên kết sản xuất cây vụ đông điển hình như các xã Nga Trường 60 ha, Nga Thành 50 ha, Nga An 35 ha. Huyện đã vận động được 5 doanh nghiệp trên địa bàn tham gia tích tụ, tập trung đất đai trong cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi lẫn nuôi trồng thủy sản. Trong lĩnh vực trồng trọt, có 2 doanh nghiệp là Công ty THNH Vạn Hoa với diện tích 3 ha tại xã Nga Thạch và Công ty TNHH Điều Huyền, diện tích 3,5 ha tại xã Nga Thành. Lĩnh vực thủy sản có 2 doanh nghiệp tích tụ đất để sản xuất quy mô lớn là Công ty CP Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Tân Sơn với diện tích 10,1 ha và Công ty TNHH San Anh, diện tích 27,5 ha đều tại xã Nga Tân. Lĩnh vực chăn nuôi đã thu hút được Công ty CP Phát triển chăn nuôi và Công nghệ sinh học Hoa Quế tại xã Nga Thủy với diện tích chuồng trại 1,7 ha theo hướng công nghệ cao.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 247 hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp; trong đó, lĩnh vực trồng trọt 32 hộ (bình quân 2 ha/hộ), chăn nuôi 90 hộ (bình quân 0,8 ha/hộ) và nuôi trồng thủy sản 125 hộ (bình quân 1,6 ha/hộ). Những năm gần đây, huyện Nga Sơn đặc biệt quan tâm và ưu tiên kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp tích tụ, tập trung đất đai cho nuôi thủy sản công nghệ cao, đến nay huyện đã có gần 4 ha nuôi tôm công nghiệp trong nhà lưới. Trong chăn nuôi, qua thực tiễn, huyện ưu tiên xây dựng các trại gà công nghiệp quy mô lớn do ít ô nhiễm môi trường. Hiện nay, toàn huyện có 53 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, nhiều trang trại trong số đó được triển khai theo hướng an toàn sinh học. Huyện đã ban hành kế hoạch chăn nuôi an toàn sinh học cho giai đoạn 2021–2025 và những năm tiếp theo. Tận dụng tiềm năng núi đá, phát triển đàn dê cũng là hướng khuyến khích của địa phương, hiện đã có các văn bản, chính sách hỗ trợ và định hướng nuôi dê.

Ông Lê Văn Dậu, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, cho biết: “Huyện mới ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chọn tích tụ, tập trung đất đai, tăng cường áp dụng khoa học – kỹ thuật, đưa các loại cây trồng hàng hóa vào sản xuất. Cùng với đó, huyện có chính sách đầu tư nâng cấp đường giao thông nội đồng, kênh mương cho các vùng sản xuất và gần đây nhất, huyện ban hành kế hoạch, dành 50 tỷ đồng cho công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương tại các vùng tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp”.


Chia sẻ trên

20/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Khi hợp tác xã nhập cuộc

Những năm qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Hà Nội ngày càng được củng cố và có bước phát triển hiệu quả. Bên cạnh mang lại thu nhập cho hàng triệu lao động nông thôn, khu vực kinh tế tập thể này còn đóng góp tích cực vào kết quả của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

21/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

21/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Nỗ lực tìm đầu ra cho đặc sản sầu riêng

Là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, Khánh Sơn có đặc sản sầu riêng quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, được Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền "Sầu riêng Khánh Sơn" từ năm 2011. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có hơn 1.730 ha sầu riêng, sản lượng 6.240 tấn.