Lá phổi xanh

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên: Làm tốt quy hoạch rừng để bảo vệ “lá phổi xanh”

04/08/2021 | Tác giả: Hải Yến


Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã nỗ lực làm tốt công tác quy hoạch diện tích rừng hiện có nhằm góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” của thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này cũng bộc lộ một số bất cập cần có giải pháp tháo gỡ. Xung quanh vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lê Minh Tuyên đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên: Làm tốt quy hoạch rừng để bảo vệ “lá phổi xanh”
Lực lượng kiểm lâm rà soát diện tích rừng tại Vườn quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì). Ảnh: Hữu Thế

- Những năm qua, thành phố đã thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn như thế nào, thưa ông?

- Rừng ở thành phố Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô. Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thành phố đã thiết lập quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững 26.621ha rừng và đất lâm nghiệp theo 3 loại là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất tại 7 địa phương: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Sóc Sơn; quy hoạch bảo đảm tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định từ 5,67% đến 6,2%. Đồng thời, phấn đấu nâng mức thu nhập 1ha đất lâm nghiệp giai đoạn hiện nay từ 10 đến 15 triệu đồng/năm lên khoảng 40 đến 60 triệu đồng/năm vào năm 2030; tạo việc làm cho 10.000-15.000 lao động/năm...

- Vậy, ông có thể chia sẻ về những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng của thành phố trong thời gian qua?

- Để triển khai quy hoạch rừng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có rừng và các tỉnh giáp ranh làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và giảm áp lực chặt phá cây rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng ở Hà Nội ngày càng được quản lý tốt; lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ cháy rừng, giảm thiệt hại về tài nguyên rừng.

Ngoài ra, trong 5 năm qua, các địa phương có rừng còn khoanh nuôi tái sinh, trồng mới được 1.586ha; nâng cấp 1.561ha rừng trồng trong rừng phòng hộ; giao rừng và cho thuê 20.383ha rừng; đặc biệt, thực hiện tốt công tác quy hoạch rừng đã góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó, bảo tồn được 2.193 loài thực vật, 25 loài thú, 49 loài chim, 270 loài bò sát...

- Kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận nhưng thực tế cho thấy, công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp vẫn bộc lộ không ít bất cập, ông đánh giá thế nào?

- Đúng vậy, thành phố chưa thực hiện được việc giao đất gắn với giao rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Quy hoạch 3 loại rừng đến nay cũng có nhiều bất cập. Đó là, việc phân định ranh giới 3 loại rừng trên bản đồ không đầy đủ, chưa rõ ràng. Trong khi đó, diện tích đất lâm nghiệp ở một số địa phương còn chồng lấn đất ở và đất khác..., dẫn đến tình trạng xâm lấn, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý rừng.

Mặt khác, một số quy hoạch không có sự tham vấn của Sở NN&PTNT dẫn đến chồng lấn giữa quy hoạch lâm nghiệp với các quy hoạch chuyên ngành khác. Rõ nhất là cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng phát triển, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân ngày càng cao... dẫn đến sự xuất hiện của nhiều khu du lịch sinh thái nhưng cũng khiến áp lực lên rừng và đất lâm nghiệp ngày càng tăng…

- Để làm tốt công tác quy hoạch và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã đề xuất những giải pháp gì, thưa ông?

- Chi cục đã đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đo đạc lại toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp, xây dựng bản đồ địa chính làm cơ sở cắm mốc giới rừng, đất lâm nghiệp ngoài thực địa. Tổ chức giao đất gắn với giao rừng để rừng và đất lâm nghiệp thực sự có chủ. Đây là giải pháp then chốt để giải quyết dứt điểm các tranh chấp và để chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền cơ sở về quản lý nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp; nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng. Đồng thời, Chi cục đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các huyện, thị xã có rừng rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp bảo đảm phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xác định rõ ranh giới 3 loại rừng cả trên bản đồ và ngoài thực địa để thuận lợi cho phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, thời gian tới, các ngành và địa phương có rừng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Nông nghiệp, qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý rừng và đất lâm nghiệp, góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” cho Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/


Chia sẻ trên

04/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Đà Nẵng quy hoạch 4 vùng nông nghiệp công nghệ cao

Thành phố Đà Nẵng đã quy hoạch 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuẩn bị đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp đầu tư.

05/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Hà Nội: Gỡ khó cho tiêu thụ, lưu thông nông sản mùa dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chủ động phối hợp với các địa phương nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, ngành nông nghiệp đang vào cuộc quyết liệt hỗ trợ DN, hợp tác xã, nông dân khơi thông việc tiêu thụ, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản trên địa bàn TP.

04/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Kịp thời tiêu thụ lúa hè thu, khẩn cấp tiêm vaccine cho lao động nông nghiệp

Giá lúa gạo xuống thấp, nhiều bà con có tâm lý ngại xuống giống vụ tiếp theo, Bộ NN&PTNT đề xuất các địa phương tăng mua dự trữ theo kế hoạch để kích cầu. Cùng với đó, việc bố trí tiêm vaccine cho đội ngũ lao động trực tiếp tại các khu vực sản xuất, tiêu thụ nông lâm thuỷ sản cũng là giải pháp cấp bách để giữ an toàn chuỗi cung ứng.