Vốn vào nông nghiệp chỉ chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Vốn vào nông nghiệp chỉ chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội

28/11/2018 | Tác giả: Duyên Duyên


Sáng ngày 27/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Vốn vào nông nghiệp chỉ chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những thành tích mà ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được trong 10 năm qua thì vẫn còn những mặt hạn chế, cần phải nhìn nhận và khắc phục.

Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, người nông dân cần năng động sáng tạo hơn nữa trong nông nghiệp để tạo ra nhiều đột phá, nhiều thành quả cao hơn.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào ngành nông nghiệp hiện nay còn rất ít và yếu, đã dẫn đến giá thành sản phẩm cao, trong đó chủ yếu là xuất thô, chưa qua chế biến và chưa tạo được đột phá nâng cao giá trị sản phẩm. Đi liền với đó là công tác bảo quản, chế biến còn hạn chế, quy mô nhỏ, hao hụt nhiều.

"Cơ cấu sản xuất của chúng ta hiện nay cũng còn rất manh mún, chưa hiểu được thị trường. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm, lao động vẫn chưa có tay nghề cao, chưa được đào tạo bài bản. Việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt cũng còn nhiều yếu kém. Hiện nay mới chỉ 15% sản phẩm có thương hiệu, thậm chí một số thương hiệu nổi tiếng của chúng ta đã bị mất đi do nước ngoài mua lại", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, đầu tư cho ngành nông nghiệp còn khá thấp trong khi số người dân làm nông nghiệp lại quá cao. Cả nước có 48% dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào GDP.

Đi cùng đó là lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực này cũng chỉ chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, còn số doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 15% cả nền kinh tế, trong đó chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá, lượng vốn đầu tư ít nhưng khả năng tiếp cận vốn của người nông dân và doanh nghiệp lại bị hạn chế, chi phí vốn vay cao. Minh chứng cho điều này, Thủ tướng viện dẫn chỉ có 1/2 số hộ gia đình nông thôn tiếp cận được vốn ngân hàng chính thức, còn lại rất nhiều trường hợp phải vay tín dụng đen, từ đó tạo điều kiện cho tín dụng đen xuất hiện ở nông thôn Việt Nam.

"Tôi rất hoan nghênh những thành tích mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong những năm qua, tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận lại là chúng ta vẫn còn lạc hậu, vẫn chậm hơn nông nghiệp một số nước trong khu vực, đặc biệt là so với Thái Lan. Thậm chí nếu so sánh với Campuchia, tôi đã đi thăm quốc gia họ và thấy ở một số khía cạnh họ còn làm tốt hơn chúng ta", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, người nông dân cần năng động sáng tạo hơn nữa trong nông nghiệp để tạo ra nhiều đột phá, nhiều thành quả cao hơn.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành nông nghiệp cần sớm khắc phục những hạn chế yếu kém trong khoa học kỹ thuật, áp dụng khoa học tiên tiến nhiều hơn, mạnh hơn vào nông nghiệp.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp.

Thủ tướng kỳ vọng nông nghiệp Việt Nam có thể đứng vào top 15 nền nông nghiệp phát triển trên thế giới và mong muốn xây dựng một nền nông nghiệp sạch, an toàn, phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu dân và xuất khẩu.

"Để làm được điều đó thì chúng ta cần phải chuyển đổi tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp", Thủ tướng nói.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã đến thăm các gian hàng triển lãm.

Tại đây, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành bày tỏ sự thích thú trước các loại nông sản đặc sản được các địa phương, doanh nghiệp trưng bày đa dạng, đẹp mắt, với nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền như cam sành Tuyên Quang, hải sản Sông Cầu (Phú Yên), các sản phẩm rau, củ, quả.

Đặc biệt, khi thăm gian hàng trưng bày của Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ và Lavifood, Thủ tướng đánh giá cao chuỗi sản phẩm khép kín do đơn vị này phát triển và cho rằng đây là mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả theo đúng chủ trương tam nông của Đảng, Nhà nước đang thực hiện.

Theo Vneconomy


Tags

Chia sẻ trên

27/11/2018 | Đăng bởi: Ngọc Oai

Người trồng hoa tết lao đao vì giống "rởm"

Hàng ngàn chậu hoa cúc tết của người dân ở 2 phường Bình Định và Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đang chết dần, không phát triển được rễ vì mua phải giống dỏm. Nhiều hộ dân đã phải nhổ bỏ để thay giống mới nên chậm thời gian, nguy cơ mất vụ hoa cúc Tết Nguyên đán năm nay là rất cao.

28/11/2018 | Đăng bởi: Chương Phượng

Xuất khẩu cà phê chế biến tăng nhanh

Dự kiến năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 1,7 triệu tấn cà phê, kim ngạch khoảng 3,5 tỷ USD. Đây là nhận định được ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) đưa ra tại cuộc họp báo ngày 23/11/2018 về "Ngày cà phê Việt Nam lần thứ II năm 2018".

27/11/2018 | Đăng bởi: Thy Lê

Tôm Việt mất lợi thế cạnh tranh

Các thị trường xuất khẩu lớn và nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đang kiểm soát rất gắt gao về dư lượng kháng sinh, nếu không nâng chất và xây dựng thương hiệu, tôm Việt sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.