Vì sao doanh nghiệp kém 'mặn mà' đầu tư nông nghiệp?
31/07/2018 | Tác giả: Admin
Để giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản cần phải có doanh nghiệp dẫn đầu trong mối liên kết với HTX và nông dân. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đến nay chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động cả nước.
Số DN đầu tư vào nông nghiệp hiện mới chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước
Đến cuối năm 2017, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, trong đó thủy sản là ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất với 8,3 tỷ USD; tiếp đến là hạt điều: 3,516 tỷ USD; rau quả: 3,502 tỷ USD; cà phê: 3,24 tỷ USD, gạo: 2,6 tỷ USD, hạt tiêu: 1,1 tỷ USD, sắn và các sản phẩm từ sắn: 1,03 tỷ USD…
Chỉ 8% DN đầu tư vào nông nghiệp
Để đạt được những thành tựu đó, các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tính hết quý II/2018, ước tính cả nước có khoảng hơn 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước.
Theo số liệu thống kê, các DN đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 92,35%), tiếp đến là DN có quy mô lớn với 5,59% và DN có quy mô vừa với 2,06%.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, đánh giá lĩnh vực nông nghiệp có đặc thù là phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên như thiên tai, rủi ro dịch bệnh, dẫn đến đầu tư vào lĩnh vực này chịu rất nhiều rủi ro so với các ngành kinh tế khác.
Bên cạnh đó, các DN còn gặp khó khăn ở một số vấn đề chính như quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của DN. Tại nhiều địa phương, có nơi chính quyền đã thuê đất của bà con nông dân, sau đó cho DN thuê lại…, đây chỉ là phương án tạm thời.
Ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế; nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp còn bất hợp lý.
Hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất, các ngành, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung chưa cao; ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp còn rất hạn chế, mới chỉ ở bước đầu phát triển…
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, chia sẻ: cơn lũ cuối năm 2017 khiến cho DN này mất sạch hàng nghìn gốc đinh lăng chuẩn bị xuất bán. Để cải tạo đất rồi trồng lại nhanh cũng phải vài năm, có khi mất tới 10 năm chưa thu hồi được vốn.
"Hai năm nay, công ty chưa thu được đồng nào mà liên tục phải viết phiếu chi. Nào chi trang bị nhà xưởng, tiền phân bón, tiền giống, tiền lương cho công nhân, kỹ sư nông nghiệp…", ông Tâm cho biết.
Sẽ được "cởi trói"
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc công ty Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, cho biết DN này chưa từng tiếp cận vay được vốn từ bất kỳ chương trình hỗ trợ nào của địa phương hay các ngân hàng thương mại cũng như tổ chức tín dụng.
"Chúng tôi phải rất vất vả xoay xở để có tiền ứng trước cho nông dân cũng như HTX liên kết sản xuất", ông Sang nói.
Hơn nữa, từ khi thành lập, dù đã chi 500 tỷ đồng để đầu tư vào vùng nguyên liệu 150ha nhưng diện tích này mới chỉ đáp ứng 10- 15% tổng sản lượng XK của công ty mỗi năm, còn lại phải mua từ nhiều HTX và hộ nông dân khác.
Khẳng định điều kiện thành lập một DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay khá đơn giản, nhưng ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), thừa nhận DN nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều phiền hà, sách nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh. Đây là điều mà cơ quan quản lý cần phải lắng nghe và tháo gỡ cho DN.
Ts. Đinh Trọng Thắng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cần phải có một Nghị quyết của Chính phủ về định hướng và giải pháp thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, coi đây là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.
Do vậy, với mục tiêu tìm giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là mở đường cho DN trong nước và nước ngoài đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực trọng yếu này, Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ được tổ chức ngày 30/7.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan bộ ngành, địa phương, DN nông nghiệp và các hiệp hội ngành nghề cùng nhìn lại, đánh giá tình hình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả hơn trong thời đại mới.
Đặc biệt, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN và đề ra hành động của Chính phủ thông qua một Nghị quyết của Chính phủ nhằm thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo TBKD