Ứng dụng khoa học - công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp
08/09/2021 | Tác giả: Hhttps://www.facebook.com/ải Yến
Những năm qua, để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất, kinh doanh. Đây đang được xem là hướng đi đúng trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng KHCN tại HTX dịch vụ nông nghiệp thị trấn Yên Lâm (Yên Định), đã và đang đem lại hiệu quả về kinh tế với năng suất, chất lượng vượt trội so với sản xuất thông thường. Ông Phạm Viết Hoàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp thị trấn Yên Lâm, cho biết: Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm nông nghiệp, năm 2019, HTX đã đầu tư 2.500m2 đất để trồng dưa vàng trong nhà màng, nhà lưới theo quy trình VietGAP. Theo đó, 100% diện tích sản xuất của HTX được ứng dụng công nghệ cao từ việc làm đất, phối trộn nguyên liệu để trồng cây; việc bón phân, tưới tự động, theo dõi sinh trưởng, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ... Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giúp HTX tiết kiệm chi phí nhân công từ 40% đến 50%; năng suất tăng từ 30% đến 40% so với trồng theo phương pháp truyền thống; chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn... Hiện HTX còn có 7 ha diện tích trồng lúa giống, trong đó có 1 ha được trồng thử nghiệm lúa hữu cơ. HTX đã chủ động đầu tư các loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: máy làm đất, máy cấy, máy bơm nước, máy bơm thuốc trừ sâu. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nên doanh thu của HTX không ngừng tăng qua các năm. Đến nay, trừ chi phí, mỗi năm HTX có doanh thu khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Yên Định hiện có 38 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: Các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh đầu tư mua sắm máy móc, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tại các HTX có khoảng 35% diện tích cấy lúa, 95% diện tích lúa thu hoạch được cơ giới hóa; gần 3 ha diện tích dưa vàng được trồng trong nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao; 54 ha rau an toàn, 40 ha bưởi Diễn được trồng theo quy trình VietGAP. Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí, nhất là sức lao động; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng và là giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện...
Tại huyện Đông Sơn, hiện có 22 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 8 HTX trực tiếp sản xuất, chế biến; 14 HTX cung cấp các dịch vụ thiết yếu, phục vụ sản xuất nông nghiệp như: thủy lợi nội đồng, khuyến nông, giống, vật tư, chuyển giao kỹ thuật... và các dịch vụ khác như cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ làm đất, mạ khay, dịch vụ liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Những năm gần đây, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng KHCN, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (xã Đông Tiến) đã đầu tư 4 ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó diện tích nhà màng 20.000m2 theo tiêu chuẩn hữu cơ, trồng dưa Kim Hoàng hậu, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột baby. Sản lượng hàng năm đạt 170 tấn. HTX hiện đang tạo việc làm ổn định cho 20 lao động thường xuyên và 50 lao động mùa vụ có mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Lâm Anh (xã Đông Yên), cũng đầu tư sản xuất 3,45 ha đất sản xuất, trong đó 4.500m2 nhà màng, 3 ha đất đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, trồng dưa Kim Hoàng hậu, cà chua. Sản lượng hàng năm đạt 60 tấn dưa Kim Hoàng hậu, 8 tấn cà chua. HTX cũng tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng... Việc ứng dụng KHCN, đầu tư máy, thiết bị trong sản xuất cũng được các HTX chú trọng. Tại HTX sản xuất chế biến nông sản Văn Châu (xã Đông Văn), đã đầu tư 32 máy xay nghiền; 28 máy tráng điện (3 máy tráng điện dây chuyền tự động, 25 máy tráng điện 3 pha); 2 hệ thống lò sấy điện. Bình quân HTX chế biến 7 tấn gạo/ngày; tổng khối lượng gạo chế biến/năm đạt 1.400 tấn. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 88 lao động, với thu nhập bình quân là 6 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, tính đến hết tháng 5-2021, toàn tỉnh có 673 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 60 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, chiếm hơn 8,9%, tăng 8 HTX so với năm 2020. Có thể khẳng định, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất hiện nay được nhiều HTX chú trọng. Thông qua hiệu quả từ các mô hình ứng dụng KHCN cũng cho thấy ưu thế vượt trội và yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng, giá trị của sản phẩm và là khâu đột phá giúp các HTX nông nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số khó khăn mà các HTX gặp phải khi ứng dụng KHCN vào sản xuất, như: Các chính sách hỗ trợ mà HTX có thể tiếp cận được còn ít; HTX thiếu vốn nhưng chưa được hỗ trợ và không vay được vốn do thiếu tài sản thế chấp; chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHCN tương đối cao; quỹ đất sản xuất bố trí cho các HTX nông nghiệp hạn chế; chi phí tích tụ, tập trung đất đai từ đất cơ bản của Nhân dân để mở rộng sản xuất cao... Điều đó, làm cho nhiều HTX chậm đổi mới, thích ứng để bắt nhịp với xu thế ứng dụng KHCN. Thiết nghĩ, bên cạnh các giải pháp được các cấp, ngành triển khai, các HTX cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển sản xuất. Đồng thời, cần chú trọng lựa chọn nhân lực đáp ứng đủ trình độ để có thể phát huy hiệu quả từ ứng dụng KHCN. Cùng với đó, HTX cần chủ động nêu khó khăn, vướng mắc để các cấp, ngành nắm bắt và có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/