Thực hư cam kết Trung Quốc mua đậu tương Mỹ
04/01/2019 | Tác giả: Văn Việt
Các nhà giao dịch hàng hóa đang “mò mẫm trong bóng tối” bởi chính phủ Mỹ vẫn đóng cửa một phần, khiến họ không thể tiếp cận báo cáo hàng tuần về xuất khẩu nông nghiệp.
Tình trạng thiếu thông tin khiến các nhà giao dịch hàng hóa không thể xác định liệu Trung Quốc có thực hiện cam kết mua hạt và đậu tương từ Mỹ hay không. Họ đang chờ đợi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra bằng chứng chứng tỏ Trung Quốc tăng cường mua sản phẩm nông nghiệp từ nông dân Mỹ, những người đang chuẩn bị cho vụ xuân và tìm nguồn tài chính để mua hạt giống, phân bón.
Đậu tương nhập khẩu được bốc dỡ tại cảng ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
Giới chuyên gia thương mại và các nhà phân tích về hạt cảnh báo việc chậm trễ ra báo cáo đã phủ bóng lên thị trường, có thể mang lại lợi thế cho những công ty hạt lớn tham gia trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu. Chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa một phần từ giữa đêm 21/12.
“Chúng tôi theo dõi doanh số bán sang Trung Quốc giống như diều hâu”, Ted Seifreid, phó chủ tịch kiêm chiến lược gia trưởng về thị trường nông nghiệp tại Zaner Group, nói với Reuters.
Trung Quốc nối lại hoạt động mua hàng hóa Mỹ từ đầu tháng 12, sau khi lãnh đạo hai nước ngày 1/12 nhất trí đình chiến thương mại 90 ngày. Tuy nhiên, thuế do Trung Quốc áp với hàng hóa Mỹ vẫn có hiệu lực và chưa rõ Bắc Kinh sẽ mua bao nhiêu đậu tương từ Washington.
Rich Feltes, phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới R.J. O’Brien, trụ sở Chicago, nhận định thiếu vắng số liệu xuất khẩu từ USDA làm tăng rủi ro trong thị trường nông nghiệp.
Cùng với báo cáo doanh số xuất khẩu hàng tuần, USDA còn phát thông báo hàng ngày về những giao dịch hạt và đậu tương trên 100.000 tấn kể từ năm 1977. Hệ thống thông tin được triển khai sau khi Liên Xô mua hàng triệu tấn hạt của Mỹ vào năm 1972, đẩy giá thực phẩm tại Mỹ tăng mạnh.
Trung Quốc đã mua bao nhiêu đậu tương Mỹ?
Đậu tương Mỹ đang dần trở lại thị trường Trung Quốc, sau khi giới chức Mỹ ngày 19/12 xác nhận thương vụ bán 1,1 triệu tấn sản phẩm này. Đây là đợt bán thứ hai kể từ khi thỏa thuận đình chiến có hiệu lực, nâng tổng khối lượng đậu tương Trung Quốc mua lên 2,5 triệu tấn.Reuters đưa tin sắp có thương vụ thứ ba nhưng USDA chưa xác nhận.
Brett Annexstad, nhà buôn hạt thuộc Hiệp hội Nông dân ở Winthrop, bang Minnesota, nói việc Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu đậu tương Mỹ trở lại là tin tốt. Bất cứ động thái nào từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều khiến người trồng chú ý.
“Trung Quốc chiếm khoảng 65% tổng lượng đậu tương nhập khẩu của thế giới”, theo Annexstad. “Thị trường dõi theo nhất cử nhất động của họ. Không có Trung Quốc, những người trồng đậu tương ở Minnesota sẽ khốn đốn”.
Năm 2018, nông dân Mỹ thu hoạch lượng đậu tương cao kỷ lục – 4,6 tỷ giạ, tương đương 125 triệu tấn, trong khi hoạt động xuất khẩu giảm. Tháng 11, AP đưa tin nông dân Mỹ có thể phải lưu kho tới 1 tỷ giạ đậu tương.
“Điều đáng ngại nhất đang dần thành hiện thực. Thiếu Trung Quốc, khó có thể tìm ra thị trường tương tự cho đậu tương”, Annexstad nhận định. “Dù họ mua một giạ hay tất cả, chúng tôi cũng cần Trung Quốc”.
Nguy cơ cho nông dân Mỹ
Scott Irwin, nhà kinh tế nông nghiệp thuộc Đại học Illinois, nói chính phủ Mỹ đóng cửa một phần cũng giáng đòn lên các nông dân, những người đang chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Các khoản trợ cấp, nhằm giúp họ ứng phó với thuế đáp trả từ Trung Quốc, sẽ chậm được triển khai hơn. “Nếu đề cập đến tiền trong túi người nông dân, tình trạng này càng kéo dài, chương trình trợ cấp càng bị trì hoãn khiến tình hình thêm tệ”, theo Irwin.
Chính phủ Mỹ đã đóng cửa hơn 12 ngày và có thể lâu hơn nữa với khoảng 800.000 nhân viên Bộ An ninh Nội địa, Tư pháp, Nông nghiệp, Thương mại cùng nhiều cơ quan khác bị ảnh hưởng. USDA hôm 28/12 cảnh báo ngoài báo cáo hàng tuần, cơ quan này cũng không thể cung cấp báo cáo hàng tháng, hàng quý, Ước tính Cung – Cầu Nông nghiệp Thế giới (WASDE). Những báo cáo trên, theo kế hoạch, sẽ được công bố vào ngày 11/1.
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa đi đến hồi kết. Bob Metz, nông dân bang South Dakota, đang định giảm diện tích trồng đậu tương trong mùa xuân này. Metz đã thông báo với người cung cấp hạt giống rằng ông có thể sẽ cần thêm hạt giống ngô và ít hạt giống đậu tương hơn.
“Chiến tranh thương mại khiến tôi rất lo lắng”, Metz nói, bởi Trung Quốc là bên mua lớn của đậu tương Mỹ. James Lee Adams, nông dân đã nghỉ hưu ở bang Georgia, cựu chủ tịch Hiệp hội Đậu tương Mỹ, là một trong những người từng giúp mở cửa thị trường Trung Quốc cho đậu tương Mỹ vào những năm 1980. Ông đang lo ngại mối quan hệ này sụp đổ.“Bạn phát triển các đối tác thương mại trong thời gian dài và không thể để mất họ chóng vánh”, ông nói. “Khi bạn trở thành một nhà cung ứng thiếu tin cậy, mọi người sẽ tìm đến nơi khác”.
Chính phủ Trung Quốc trên thực tế đang ngày càng tự tin họ có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào đậu tương nhập từ Mỹ. Một trong những chiến lược tiềm năng là giảm lượng đậu tương trong thức ăn chăn nuôi. Ví dụ, nếu giảm tỷ lệ đậu tương từ 20% xuống còn 12%, nhu cầu nhập khẩu có thể giảm tới 27 triệu tấn, tương đương 82% khối lượng nhập khẩu từ Mỹ trong năm 2017.
Giới chuyên gia cho rằng nông dân Trung Quốc có thể giảm nửa lượng đậu tương sử dụng mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn gia súc.
Theo NNVN