Nữ CEO say mê nghiên cứu đông trùng hạ thảo
14/09/2021 | Tác giả: Hải Yến
Với kiến thức về nông nghiệp có sẵn và các nghiên cứu khoa học trong nhiều năm tìm tòi, chị Trần Thị Luôn (1974) đã quyết định lập kế hoạch sản xuất nấm nhằm giúp cho người dân quê nhà Tiền Giang có thêm thu nhập, góp phần đẩy mạnh kinh tế địa phương.
Say mê nghiên cứu khoa học
Chị Trần Thị Luôn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuần nông của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Từ khi còn là học sinh, rồi trở thành sinh viên, chị luôn ngưỡng mộ những danh nhân văn hóa, lịch sử hay những nhà khoa học có những đóng góp lớn cho xã hội. Trong trí tưởng tượng, Trần Thị Luôn luôn ước ao mình làm được một điều gì đó có giá trị cho quê hương, đất nước.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TPHCM, chị bắt đầu đi làm và va chạm với cuộc sống, chị đã nhận ra những thành quả lớn lao đều góp nhặt từ từng việc nhỏ. Từ đó, chị đã suy nghĩ thực tế hơn, bắt đầu từ làm việc chăm chỉ, học hỏi bổ sung kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để làm tốt công việc.
Sau bốn năm làm việc tại TPHCM, chị Trần Thị Luôn dần cụ thể những việc mình có thể làm phù hợp với kinh tế nông nghiệp. Cũng trong thời điểm đó ngành chăn nuôi của người dân quê chị gặp khó khăn, chị nhận ra đây là lúc mình cần gắn bó và đóng góp công sức với quê nhà. Với kiến thức về nông nghiệp có được, chị quyết định lập kế hoạch sản xuất nấm nhằm giúp cho người dân có thêm thu nhập. Trong quá trình tìm tòi, học hỏi, tiếp cận với kỹ thuật khoa học ngày càng phát triển, chị mới nhận ra nấm đông trùng hạ thảo là một loại nấm dược liệu cực quý hiện đã được nuôi trồng nhân tạo thành công trong nhà kín. Và như một sức hút kỳ lạ, đông trùng hạ thảo đã đến với chị từ đó.
"Đông trùng hạ thảo từ xưa đã được biết là một loại dược thảo quý cho sức khỏe con người nhưng cực hiếm, vì thế việc sử dụng đông trùng hạ thảo đối với người thu nhập trung bình là không tưởng, xuất phát từ việc tìm mua đông trùng hạ thảo dùng cho người thân bị bệnh quá đắt và khó tìm được sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tôi đã đã có ý tưởng nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại địa phương mình", chị Luôn chia sẻ.
Với sự hỗ trợ về giống, tài liệu nghiên cứu của các thầy cô ở trường đại học cộng với kinh nghiệm tích lũy từ nghề sản xuất nấm bào ngư trước đây, chị Luôn có nhiều thuận lợi khi bắt tay vào nghiên cứu. Tuy nhiên, trong quá trình thực nghiệm, chị đã mất nhiều thời gian, công sức, chi phí do phải điều chỉnh nhiều lần các yếu tố của phòng nuôi cấy cùng các thông số của nguyên liệu đầu vào nhằm tạo ra thành phẩm đạt chất lượng như mong muốn. Chị lao vào tìm tòi nghiên cứu từ những nguồn tài liệu trong nước cũng như ngoài nước, ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực công nghệ sinh học, quyết tâm sản xuất cho kỳ được loại nấm quý này. Với sự quyết tâm và kiên trì nhẫn nại, hạnh phúc trào dâng khi chị cầm bản xét nghiệm dược chất trong tay và tự tin kiểm soát được quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo.
Những thành quả tự hào
Chị Trần Thị Luôn hân hoan trong niềm vui tràn ngập khi nhận được những lời khen ngợi về sản phẩm, sản phẩm tốt, chất lượng và giải quyết được việc làm nông nhàn của địa phương. Tuy nhiên, để tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nấm tươi, yêu cầu bảo quản, vận chuyển đòi hỏi rất cao này lại là bài toán nan giải. Chị Luôn đã thành lập Công ty TNHH Đông Trùng Hạ Thảo Thiên Ân với sứ mệnh tạo thương hiệu cho sản phẩm và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ đông trùng hạ thảo. Công ty bước qua lĩnh vực chế biến, ứng dụng thành tựu của sự phát triển về công nghệ thực phẩm và dòng sản phẩm như Nước đông trùng hạ thảo, Sốt đông trùng Hạ thảo, Tổ yến chưng đông trùng hạ thảo, Rượu đông trùng hạ thảo …
Hiện tại, các sản phẩm đông trùng hạ thảo do Công ty Thiên Ân sản xuất đã được Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TPHCM (Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) chứng nhận đáp ứng các chỉ tiêu về lý, hóa, vi sinh.
Lý giải câu vì sao các sản phẩm đông trùng hạ thảo do Công ty Thiên Ân sản xuất có giá bán thấp hơn nhiều so với một số sản phẩm cùng loại trên thị trường, chị Luôn cho biết: "Do tiết tiệm chi phí đầu tư, sử dụng cơ chất nuôi cấy có nguồn gốc thực vật có sẵn đã giúp công ty tiết giảm đáng kể giá thành sản xuất. Ngoài ra, do quy trình nuôi cấy nấm trong điều kiện vô trùng và được giám sát nghiêm ngặt nên cơ chất và phôi giống nuôi cấy có tỷ lệ thành công cao, chất lượng sản phẩm khá đồng đều cũng giúp giảm chi phí sản xuất. Thiên Ân đã vinh dự nhận được chứng nhận Sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang. Đây là niền vui, niềm khích lệ lớn và cũng là nguồn động lực thúc đẩy để Thiên Ân ngày càng phát triển. Hiện nay doanh thu của Thiên Ân khoảng 6 tỷ/năm và tạo việc làm cho khoảng 100 người lao động".
Với thành quả này, chị Trần Thị Luôn và Ban Giám đốc Công ty, đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên rất tự hào về nỗ lực của mình đã góp phần vào việc tạo việc làm cho lao động địa phương, sử dụng sản phẩm địa phương vào sản xuất sản phẩm, và hơn hết là góp phần nâng cao thể trạng, tăng cường sức khỏe cộng đồng thông qua việc phổ biến, đưa nấm đông trùng hạ thảo vào từng bữa ăn, thức uống của từng gia đình Việt.
Định hướng phát triển sản phẩm và thị trường tương lai, chị Luôn cho biết, giai đoạn 2022-2025 Thiên Ân sẽ chuẩn bị pháp lý, nguồn lực tài chính, kiện toàn cơ sở vật chất để chuyển công năng từ nhà máy sản xuất thực phẩm sang nhà máy đủ tiêu chuẩn GPM sản xuất thực phẩm chức năng và dược phẩm. Củng cố và ổn định các kênh phân phối thị trường nội địa. Tham gia triển lãm, xúc tiến thương mại quốc tế, đưa sản phẩm Thiên Ân tham gia thị trường xuất khẩu.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/