Nhiều vi phạm tinh vi trong SX-KD vật tư nông nghiệp
17/07/2018 | Tác giả: Admin
Thời gian qua, nhiều thủ đoạn vi phạm hết sức tinh vi trong hoạt động SX kinh doanh một số vật tư nông nghiệp như thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi (TĂCN), thuốc thú y, đã được Thanh tra Bộ NN-PTNT phối hợp với cơ quan công an phanh phui.
Hàng loạt sản phẩm thuốc thú y giả bị phát hiện tại Cty Đông Á ngày 13/7 vừa qua
Đây là thông tin Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác quản lí chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP của Bộ NN-PTNT hôm 16/7.
Lợi dụng hợp đồng gia công để SX thuốc thú y giả
Phối hợp với hoạt động trinh sát của cơ quan công an, mới đây nhất ngày 13/7, đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Bộ NN-PTNT chủ trì đã kiểm tra đột xuất Cty Cổ phần Dược và vật tư thú y Đông Á (Cty Đông Á) ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) và phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm thuốc thú y giả, kém chất lượng. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm nhiều loại thuốc thú y có tên như SULFA-TRI; Iodin; Para C30%; Doxy 50; Long đờm...
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT), đây là hành vi mới rất tinh vi trong hoạt động làm giả thuốc thú y nở rộ thời gian gần đây. Theo đó, bằng việc hợp đồng mua bán thuốc thú y với Cty Cổ phần Sóng Hồng (DN có Giấy chứng nhận thực hành SX tốt thuốc thú y – GMP và đủ điều kiện SX thuốc thú y), Cty Cổ phần Dược và vật tư thú y Đông Á đã tự ý in ấn mẫu mã và tem chống giả, tự phối trộn nguyên liệu thành sản phẩm tương tự để “nhái” và trà trộn vào sản phẩm do Cty Sóng Hồng SX theo tiêu chuẩn GMP, đưa ra lưu thông trên thị trường ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Hiện đoàn thanh tra đã yêu cầu Cty Đông Á dừng ngay các hoạt động SX thuốc thú y và những sản phẩm TĂCN chưa được phép lưu hành tại Việt Nam để chờ xử lý. Đồng thời tiếp tục làm việc với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Cục C49) là thành phần Đoàn thanh tra để xác định mức độ vi phạm.
“Đây là hành vi lợi dụng nhãn mác, thương hiệu của một nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP để SX và trà trộn hàng giả thông qua hợp đồng mua bán gia công. Điều này không chỉ là vi phạm rất nghiêm trọng về quản lí SX thuốc, mà còn làm ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu và uy tín của NM đã đạt chuẩn GMP. Vì vậy, bản thân các Cty SX thuốc thú y đã có NM đạt chuẩn GMP cũng cần phải hết sức thận trọng và cảnh giác khi nhận gia công cho các DN khác” – ông Phạm Tiến Dũng khuyến cáo.
Tự ý “thêm thắt” hoạt chất thuốc trừ cỏ
Cũng theo Thanh tra Bộ NN-PTNT, thời gian qua, đơn vị này phối hợp với C49, đã điều tra, phát hiện nhiều DN sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV ở phía Bắc có hành vi trà trộn thêm hoạt chất thuốc trừ cỏ Mesotrione vào các sản phẩm thuốc trừ cỏ đã có đăng ký lưu hành trên thị trường. Hiện tại, đã có 2 Cty SX thuốc BVTV bị phát hiện và xử lí.
Theo Thanh tra Bộ NN-PTNT, Mesotrione là hoạt chất thuốc trừ cỏ hiện thuộc danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam. Cũng như các sản phẩm thuốc BVTV khác, theo quy định, để đưa thêm hoạt chất Mesotrione vào một sản phẩm thuốc trừ cỏ đã có trong danh mục, sẽ bắt buộc phải khảo nghiệm và đăng ký mới thành một sản phẩm thuốc trừ cỏ khác. Tuy nhiên, các Cty SX thuốc BVTV đã cố tình đưa thêm hoạt chất thuốc trừ cỏ này vào một sản phẩm khác (đã có đăng ký trong danh mục) mà không hề đăng ký.
Mục đích của hành vi này được cho là giúp làm tăng hoạt lực, tăng khả năng diệt cỏ. Mặc dù đây là hành vi nhằm cạnh tranh không lành mạnh về hiệu quả của thuốc so với các sản phẩm khác. Tuy nhiên, điều này là vô cùng nguy hiểm về xã hội, nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chủ trương giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ cỏ trong canh tác.
Đặc biệt, việc không đăng ký hoạt chất mới trong thuốc trừ cỏ có thể dẫn tới điều rất nguy hiểm trong quản lí SX và nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Bởi người sử dụng sẽ không thể biết được về độ độc và thời gian yêu cầu phải cách ly của thuốc. Không chỉ nguy hiểm về an toàn thực phẩm, hành vi này có thể khiến các mặt hàng nông sản, nhất là nông sản XK gặp rất nhiều rủi ro về dư lượng thuốc BVTV do đơn vị SX không chủ động được thời gian cách ly.
Theo Thanh tra Bộ NN-PTNT, thời gian qua, tình trạng các Cty SX kinh doanh TĂCN sử dụng “đạm giả” (hỗn hợp bao gồm Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide) vào TĂCN vẫn tiếp tục được phát hiện. Việc trộn “đạm giả” có thể giúp TĂCN đạt hàm lượng đạm tổng số khi kiểm tra phân tích, song đây lại là loại đạm không có giá trị về dinh dưỡng đối với vật nuôi khi sử dụng.
“Việc sử dụng các chất mới vốn chỉ dùng trong công nghiệp, không được phép dùng trong chăn nuôi đang là xu hướng rất tinh vi mà các DN đang luồn lách hiện nay. Trong khi đó, các phương tiện và phòng phân tích, kiểm nghiệm các hóa chất này lại rất khó khăn” – ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT) cho biết.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay việc ban hành các quy định về mức tồn dư tối đa cho phép (MRL) đối với một số chất hóa học cũng đang là vấn đề gây rất nhiều khó khăn cho công tác thanh kiểm tra và xử lí vi phạm.
Đơn cử như vấn nạn “tiêm thuốc an thần” (Acepromazine) cho lợn trước khi xuất chuồng tại các tỉnh phía Nam đã tồn tại từ khá lâu, tuy nhiên hiện nay cơ quan chức năng vẫn không thể có chế tài xử lí đối tượng vi phạm do ngành y tế chưa công bố chỉ số MRL đối với Acepromazine trong thịt lợn.
Theo NNVN