Nguy cơ thừa cung nguyên liệu đe doạ ngành cá tra

Nguy cơ thừa cung nguyên liệu đe doạ ngành cá tra

22/11/2018 | Tác giả: Khôi Nguyên


Xuất khẩu cá tra năm 2018 tăng cả về lượng lẫn giá trị. Dự báo kim ngạch cá tra xuất khẩu sẽ đạt khoảng 2,1 - 2,2 tỷ USD, tăng khoảng 300 – 400 triệu USD so với năm 2017 (1,78 tỷ USD). Thị trường xuất khẩu tốt đẩy giá cá nguyên liệu tăng cao kích thích nông dân tăng diện tích thả nuôi, nguy cơ thừa cung nguyên liệu đang đe doạ ngành cá tra. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng diện tích thả nuôi có tăng nhưng sản lượng tăng không đáng kể và giá cá tra sẽ đứng ở mức cao đến tháng 5/2019.

Nguy cơ thừa cung nguyên liệu đe doạ ngành cá tra

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đang dần "hạ nhiệt".

 

10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 1,823 tỷ USD, bình quân xuất khẩu cá tra đạt 182,3 triệu USD/tháng. Còn 2 tháng nữa mới hết năm cũng là thời gian các doanh nghiệp tăng tốc hoàn tất các hợp đồng đã ký, như vậy có nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 sẽ đạt khoảng 2,1 – 2,2 tỷ USD.

10 tháng qua, 3 thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đạt 437,94 triệu USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tỷ lệ 24%. Thứ 2, thị trường Mỹ đạt 430,017 triệu USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ lệ 23,6%. Thứ 3, thị trường EU đạt 197,31 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ lệ 10,8%.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đang dần "hạ nhiệt" nhưng dự báo tới cuối năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường này vẫn ổn định mức tăng hai con số.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Trung Quốc đang có xu hướng chuyển sang đầu tư nuôi cá tra tại Trung Quốc và tính toán cho hoạt động xuất nhập khẩu cá tra trong tương lai. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến cá rô phi Trung Quốc bị "thất thế" nặng nề trên thị trường xuất khẩu lớn Mỹ, do vậy các công ty Trung Quốc đang nỗ lực chuyển hướng sang nuôi cá tra.

Tuy nhiên, thịt vàng trong cá tra đang là "một vấn đề" của nghề nuôi cá tra tại Trung Quốc. Nếu Trung Quốc nuôi được cá giống (hiện chúng được nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam), điều này cũng có thể là một thay đổi hữu ích. Bà Ran Chunli, Tổng giám đốc bộ phận nuôi trồng thủy sản của Evergreen Group cho biết, cá giống mang từ Việt Nam không thích hợp với điều kiện nuôi của Trung Quốc. Trung Quốc cần lai tạo giống cá tra cho riêng mình, khi nào Trung Quốc trải qua được giai đoạn này, họ sẽ có thể tăng chất lượng thịt cá tra.

"Điều mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang lo lắng là chất lượng thịt cá tra nuôi tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Việt Nam và thịt cá tra có màu vàng. Những động thái đầu tư nuôi cá tra cộng với những tính toán khó lường trong hoạt động nhập khẩu cá tra từ Việt Nam cũng là điều mà doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên cân nhắc", Vasep cảnh báo.

Ngoài cảnh báo Trung Quốc đang phát triển nghề nuôi cá tra, việc giá cá tra nguyên liệu tăng cao trong suốt thời gian dài kích thích nông dân tăng diện tích và hiện tượng này đang diễn ra đặt ngành cá tra trước nguy cơ thừa cung cũng đang gây quan ngại.

Tuy nhiên, vấn đề này không đáng lo ngại vì ảnh hưởng biến đổi khí hậu và do chất lượng cá giống bố mẹ đã bị thoái hoá nên nhiều năm qua công tác nhân giống gặp rất nhiều khó khăn, kết quả đạt rất thấp, tỷ lệ hao hụt cao, dẫn đến tình trạng khan hiếm cá giống, người nuôi tìm mua không có nên diện tích không tăng nhiều.

Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Vasep, thực tế sản lượng cá tra năm nay không được dồi dào như những năm trước là do khan hiếm cá giống, tỷ lệ cá giống có thể sinh trưởng bình thường thấp hơn so với mọi năm, dù người dân có bị kích thích bởi giá cá tăng mạnh từ đầu năm nhưng sản lượng cá nguyên liệu vẫn không thể gia tăng được. Chính vì vậy, giá cá trên thị trường vẫn giữ ở mức cao trong suốt thời gian dài, không như các năm trước.

"Diễn biến sản lượng cá nguyên liệu trong năm nay cùng với tình hình cá giống như hiện nay nên chưa thể có nhiều cá nguyên liệu trong giai đoạn cuối năm cũng như quý II/2019. Phải chờ Chương trình giống 3 cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa mới khởi động, sau đó mới cân đối lại lượng cá giống có chất lượng đưa ra thị trường ổn định", ông Hoè nhấn mạnh.

Chính vì vậy, giá cá tra sẽ vẫn ở mức cao và người dân phải làm sao có thể tiếp cận được nguồn cá giống đảm bảo tỷ lệ sinh trưởng và chất lượng an toàn. Nếu không có được nguồn giống tốt, ổn định tỷ lệ hao hụt cao sẽ ảnh hưởng đến thời vụ và sản lượng của người nuôi cá. "Thị trường cá tra nguyên liệu được dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao như hiện nay cho đến tháng 4 hoặc tháng 5/2019", ông Hoè khẳng định.

Theo Vneconomy


Tags

Chia sẻ trên

21/11/2018 | Đăng bởi: Bạch Dương

22 doanh nghiệp Trung Quốc được mời mua gạo Việt

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa tổ chức triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại mặt hàng gạo năm 2018, tiếp nối các hoạt động tăng cường giao lưu, hợp tác kinh tế thương mại nói chung và sản phẩm gạo nói riêng giữa Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua.

19/11/2018 | Đăng bởi: Phan Thảo

Dùng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải theo đơn của người có chứng chỉ hành nghề

Chiều 19-11, Quốc hội đã thông qua 2 luật trong lĩnh vực nông nghiệp là Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt.

22/11/2018 | Đăng bởi: Danh Hùng

Giá nông sản hôm nay 22/11: Giá cà phê tiếp tục giảm 200 đồng, giá tiêu “mất” 1.000 đồng

Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận sự giảm giá của cả 2 loại nông sản chủ lực: giá cà phê giảm tiếp 200 đồng, còn giá tiêu giảm đồng loạt 1.000 đồng/kg ở hầu hết các địa phương. Mức giảm của giá cà phê tuy không nhiều nhưng cũng đẩy sự lo lắng của nông dân lên cao hơn do giá giảm liên tiếp không ngừng. Trong khi đó, người trồng tiêu ở nhiều địa phương đã thi nhau chặt bỏ tiêu vì giá quá thấp.