Làm nông nghiệp công nghệ cao, nông dân Bắc Giang thu lãi tiền tỷ/năm
02/11/2018 | Tác giả: Hải Đăng
Từ năm 2017 đến nay, cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang đã nghiệm thu 26/44 mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Điều đáng nói là các mô hình đều đạt và vượt tiêu chí thu nhập, bình quân hơn 300 triệu đồng, thậm chí hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đang mang lại hiệu quả lớn cho HTX Chăn nuôi Trường Thành (Bắc Giang)
Nhiều mô hình hiệu quả
Nhiều năm qua, gia đình ông Thân Văn Thành (ở thôn Đụn 2, xã An Dương) là hộ kinh doanh giỏi điển hình của huyện Tân Yên về phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Thời điểm này, vườn cây có múi rộng 5ha của ông đang cho quả trĩu cành, ước thu 50 tấn cam và gần 2 vạn quả bưởi. Vườn cây này được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, có van điều tiết áp lực nước.
Gia đình ông Thành còn nuôi khoảng 3.000 con lợn mỗi lứa nên ông đầu tư hầm xử lý chất thải có quy mô phù hợp. Cuối năm 2017, được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, ông Thành đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt hút nước từ bể chứa đã qua xử lý để tưới cho 0,5ha cây trồng.
Ông Thành cho hay: Trước đây, muốn tưới hết vườn cây ăn quả của gia đình phải cần 3 người trong 3 ngày mới xong. Thế nhưng khi hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt thì chỉ cần bấm công tắc, trong một ngày là hoàn tất. Hơn nữa, trang trại còn tận dụng tưới bằng nước khi đi qua hầm biogas đã giúp gia đình ông giảm lượng phân bón vô cơ, mỗi ha cây ăn quả tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng.
“Theo tính toán của tôi, sau khi trừ chi phí tôi có thể thu về hơn 2 tỷ đồng từ cây ăn quả và chăn nuôi trong năm nay” - ông Thành khẳng định.
Trang trại lợn của HTX Trường Thành ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, nằm trên khuôn viên 5ha được áp dụng hệ công nghệ chăn nuôi kín khá bài bản. Đàn lợn nuôi tại trang trại của đơn vị này luôn giao động khoảng 200 lợn nái và 2.000 lợn thịt mỗi năm. Điểm khác biệt trong chăn nuôi tại trang trại của HTX Trường Thành là đàn lợn được nuôi thả trên một lớp đất có tưới chế phẩm công nghệ E.M của Nhật giúp toàn bộ chất thải được vi sinh vật có lợi phân hủy hết. Công nghệ này, giúp trang trại luôn sạch sẽ không có mùi hôi à ruồi, muỗi...
“Với việc áp dụng nhiều công nghệ chăn nuôi, hệ thống giết mổ, đóng gói hiện đại, đơn vị của chúng tôi luôn đưa ra thị trường sản phẩm thịt lợn hữu cơ có chất lượng tốt nhất. Trung bình mỗi năm đơn vị của tôi có doanh thu hàng chục tỷ đồng” - ông Tô Hiến Thành, Giám đốc HTX chia sẻ. Ông Tô Hiến Thành là nhân vật mà Báo NTNN từng nhiều lần phản ánh về việc làm chủ trại lợn trị giá 12 tỷ đồng nhưng không vay được vốn để đầu tư sản xuất, sau đó Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc giúp ông tháo gỡ khó khăn.
Còn nhiều rào cản
Hiện nay, nhiều đơn vị, địa phương ở Bắc Giang tập trung xây dựng mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy có nhiều khó khăn khi thực hiện, nổi bật là thiếu đất sản xuất, vốn đầu tư…
Ví như tại HTX Rau sạch Yên Dũng, sau nhiều lần thương lượng, thỏa thuận với các hộ dân, HTX này đã có mặt bằng sản xuất tương đối rộng nhưng vẫn chưa đủ nếu làm ăn lớn. Nhiều thửa ruộng, đơn vị phải thuê giá hơn 1 triệu đồng/sào/năm trong thời gian 10 năm và hiện nay cũng khó để thuê mở rộng thêm.
“Chi phí cố định đã lớn, chưa kể các hạng mục phải đầu tư nhiều tiền như làm nhà lưới, nhà màng, thiết bị cho khu chế biến, bảo quản nông sản… trong khi không được vay vốn tín dụng làm khó cho NNCNC” - ông Lê Xuân Kiên - Giám đốc HTX Rau sạch Yên Dũng chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Luân - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Giang cho rằng: Tiêu chí mô hình NNCNC theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT để được vay vốn là rất khó. Đơn cử, mô hình phải nằm trong vùng sản xuất sạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định nhưng ở Bắc Giang còn thiếu.
Hơn nữa, đất đai của HTX làm NNCNC chủ yếu do thuê mượn, tài sản thế chấp hầu như không có hoặc có tài sản trên đất nhưng chưa được chứng nhận nên nhiều ngân hàng khó giải ngân... “Vì thế, cơ quan chuyên môn là Sở NNPTNT cần sớm tham mưu xác định vùng sản xuất sạch. Chính quyền các địa phương, ngành chức năng hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có thể làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng” - ông Luân kiến nghị.
Theo Dân Việt