Kỳ 5: Nông nghiệp hữu cơ

Kỳ 5: Nông nghiệp hữu cơ, nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững

24/08/2021 | Tác giả: Hải Yến


Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường.

Kỳ 5: Nông nghiệp hữu cơ, nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững

Thống kê của FiBL (Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ) và Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) cho thấy, hiện có hơn 71 triệu ha canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh và đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Thực tế đã chứng minh, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã khuyến khích cũng như tạo điều kiện để bà con nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng.

 Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xu hướng tất yếu (Ảnh: HNV)

Tạo mọi điều kiện phát triển nông nghiệp hữu cơ

Trên thực tế, phát triển nông nghiệp hữu cơ đã và đang gia tăng liên tục trong những năm qua và có xu hướng tiếp tục tăng cao. Bởi sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới.

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nêu rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái”.

Việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020 - 2030, với mục tiêu phát triển nền NNHC có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu càng thể hiện rõ hơn quyết tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Đề án cũng xác định: với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại

Theo đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều địa phương đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân.

Đơn cử như TX Ba Đồn (Quảng Ninh), với mục tiêu thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, từ đó xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá, TX Ba Đồn đã triển khai thực hiện hơn 550 ha lúa áp dụng quy trình sản xuất thâm canh cải tiến SRI tại các xã: Quảng Tiên, Quảng Hải, Quảng Văn… Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, vừa đem lại năng suất cao, bình quân đạt 58 tạ/ha. Cùng với đó, thị xã cũng đã thực hiện mô hình trồng thử nghiệm các loại cây thích ứng biến đổi khí hậu ở những vùng bị ngập mặn. Đó là mô hình trồng dừa xiêm ở xã Quảng Lộc, Quảng Văn và Quảng Tân với diện tích trên  4 ha. Đồng thời, nhằm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, TX Ba Đồn đã xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các mô hình liên kết theo chuỗi góp phần nâng cao năng suất, giúp sản phẩm tạo được liên kết đầu ra, có chỗ đứng trên thị trường, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người tiêu dùng cũng an tâm sử dụng sản phẩm.

Hay như đối với Bạc Liêu, mô hình nông nghiệp hữu cơ được UBND tỉnh và ngành nông nghiệp quan tâm phát triển từ những năm 2010 mà tiêu biểu là mô hình tôm - lúa hữu cơ và mô hình tôm - rừng. Gần đây, địa phương tiếp tục xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ, xem đó là nhu cầu cần thiết và cấp bách, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện ở 2 nhóm mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Thứ nhất là mô hình nuôi tôm sú kết hợp cua, cá (Dự án WB9) với quy mô 80ha được triển khai tại các xã: Định Thành, An Trạch, An Trạch A và xã An Phúc (huyện Đông Hải). Theo ông Hồ Thanh Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải: “Mô hình này cho năng suất tôm nuôi đạt từ 300 - 350kg/ha, cua 150 - 180kg/ha, cá 200kg/ha. Với mỗi héc-ta thủy sản nuôi theo hướng hữu cơ, lợi nhuận thu được trung bình trên 80 triệu đồng, cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 25 - 30 triệu đồng; và quan trọng hơn cả là môi trường nuôi được đảm bảo, hạn chế được rủi ro do dịch bệnh”. Thứ hai là mô hình phát triển giống lúa ST24, ST25 trên vùng đất tôm - lúa và vùng sản xuất 2 vụ lúa tỉnh Bạc Liêu với quy mô 3.560ha được thực hiện tại huyện Hồng Dân (1.570ha tôm - lúa, 15ha chuyên lúa), huyện Phước Long (1.557,59ha tôm - lúa, 15ha chuyên lúa), TX. Giá Rai (372,41ha tôm - lúa, 10ha chuyên lúa), Hòa Bình (10ha chuyên lúa) và huyện Vĩnh Lợi (10ha chuyên lúa). Mô hình này cho năng suất lúa bình quân vùng sản xuất chuyên lúa đạt 4,49 tấn/ha, nông dân thu lãi trên 13 triệu đồng/ha; năng suất lúa vùng sản xuất tôm - lúa đạt từ 5 - 6 tấn/ha, lãi trên 25 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất đại trà 4,7 triệu đồng/ha).

Rồi phải kể đến một loạt các địa phương khác: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cũng đã và đang không ngừng nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, góp phần thiết thực trong nhân rộng và lan tỏa sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Có thể thấy, sự nâng cao chất lượng và mức sống đã khiến cho nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhiều. Ngành sản xuất hữu cơ tại Việt Nam đang được nhiều người quan tâm đón nhận. Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ được nhà nước đầu tư đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây và cả định hướng trong tương lai.

Nhìn chung, xu hướng phát triển hữu cơ đang dần nở rộ và phát triển một cách nhanh chóng tại Việt Nam. Ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh nông sản hữu cơ, trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ với đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Định hướng đã có, chính sách đã ban hành, điều quan trọng là sự chung sức, chung lòng và triển khai đồng bộ của toàn hệ thống ngành nông nghiệp cùng sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng để phát triển nông nghiệp hữu cơ thực sự thiết thực, hiệu quả.

Nguồn: https://dangcongsan.vn/


Chia sẻ trên

24/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Australia triển khai thị thực lao động nông nghiệp mới vào tháng 9/2021

Chính phủ Australia sẽ triển khai áp dụng một loại thị thực mới cho phép người nước ngoài làm việc tại các nông trại ở nước này vào cuối tháng Chín tới.

24/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Hai bộ bắt tay đào tạo nghề Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về đào tạo nghề Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp theo khung trình độ sơ cấp trên toàn quốc.

23/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

“Phương thuốc” giúp giải quyết bài toán an ninh lương thực của APEC

Bộ trưởng Nông nghiệp và Lương thực của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã cam kết đưa ra một lộ trình mới để hướng dẫn các nỗ lực thúc đẩy an ninh lương thực trong 10 năm tới..