Kiểm soát rượu bia thế nào cho hợp lý?

Kiểm soát rượu bia thế nào cho hợp lý?

12/11/2018 | Tác giả: Thanh Hoa


Việt Nam là một trong nhóm nước sử dụng bia rượu lớn nhất trên thế giới. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất rượu mọc lên như "nấm sau mưa", tỉnh nào cũng có đặc sản rượu, nhưng việc quản lý khó khăn.

Kiểm soát rượu bia thế nào cho hợp lý?

Góp ý về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tại Hội trường Quốc hội tuần qua, trong đó xuất hiện những ý kiến trái chiều về tên của dự án luật.

Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Tp.HCM) chia sẻ, có một nghịch lý là giá rượu bia tại Việt Nam rẻ hơn so với các nước, nhưng giá sữa lại đắt, trong khi sữa là sản phẩm có lợi cho sức khỏe cộng đồng.

Tăng thuế để hạn chế sử dụng

Theo bà Lan, để hạn chế rượu bia trước hết có thể tính đến biện pháp đánh thuế. Đánh thuế sẽ có tác dụng làm giá thành sản phẩm tăng, nhiều người sẽ không sử dụng nữa, nhưng ngược lại sẽ là môi trường thuận lợi để sản phẩm nhập lậu và các mặt hàng kém chất lượng có cơ hội trà trộn bán ra thị trường với mức giá rẻ.

"Vì vậy, cần duy trì song song bằng biện pháp đánh thuế và kiểm soát hệ thống sản xuất kinh doanh để hoàn toàn triệt tiêu việc kinh doanh không phép, có hại cho chính sách của Nhà nước và bảo vệ cho doanh nghiệp", bà Lan nói.

Ngoài ra, cần tiến tới việc tuyên truyền cho người dân biết tác hại của rượu bia, thay đổi thói quen thuộc về văn hóa bao gồm không ép uống rượu bia, không kỳ thị những người không uống rượu bia.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho biết Việt Nam là một trong nhóm nước sử dụng bia rượu nhiều hiện nay. Tỉnh nào cũng có đặc sản rượu, nhưng việc quản lý khó khăn, ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Vì vậy, cần phải có những quy định cụ thể để quản lý. Nhà nước phải tăng cường quản lý về chính sách như: tăng thuế suất để hạn chế người sử dụng. Đồng thời, ban hành các quy định về khu vực được kinh doanh, đặc biệt phải nghiêm cấm bán rượu bia ở nơi công cộng, gần trường học…

Ở một góc độ khác, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) dù ủng hộ cần có biện pháp để khắc phục hiện tượng đang có chiều hướng tiêu cực của xã hội có liên quan đến rượu bia, nhưng lại không đồng tình với cách đặt tên: Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.

"Nhiều nước có quy định liên quan đến vấn đề này nhưng không nước nào dùng khái niệm là tác hại của rượu bia cả", ông Quốc nói.

Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới

Ý kiến trái chiều về tên luật

Ông Quốc phân tích, tên của dự án luật vừa "trói chân trói tay" của người sản xuất rượu, nhưng không ngăn cản được tình trạng gia tăng sử dụng rượu bia.

Luật phải thay đổi dần dần và phải lường trước được hiệu ứng của nó, trước hết là hiệu quả. Thậm chí không cần đưa một đạo luật mới, chỉ cần nâng cao chế tài và làm tốt đạo luật khác như: buôn lậu, sản xuất rượu giả, nhái, các cơ sở sản xuất không phép…

Theo ông Quốc, sự tồn tại của rượu bia đến nay như một di sản lớn, vấn đề mấu chốt là văn hóa uống rượu bia của một số bộ phận người không kiểm soát được, đó là nguồn gốc.

"Một số nước trên thế giới đưa ra khái niệm kiểm soát. Như vậy sẽ phù hợp hơn, bởi đây là Nhà nước kiểm soát, xã hội kiểm soát, tự mỗi người kiểm soát mình", ông Quốc nói.

Tuy nhiên, dưới cách nhìn của một chuyên gia ngành y tế, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) đồng tình với tên của dự án Luật.

Ông Tuấn cho rằng sự ra đời của dự án Luật là cần thiết, bởi chúng ta đã chứng kiến những tác hại do rượu bia gây ra…

Phân tích về tên của dự án Luật, ông Tuấn nói có nhiều ý kiến cho rằng phải lạm dụng mới là tác hại, nhưng người có chuyên môn trong ngành y tế thấy rằng đáp ứng của mỗi người sẽ khác nhau, khi uống vào với liều lượng khác nhau sẽ gây ra các tác hại khác nhau.

"Lập luận của ngành y tế là nên dùng tên Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thay vì Luật Phòng, chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia, và còn khá nhiều yếu tố quan trọng khác, bởi đây không phải là luật cấm uống rượu bia. Do vậy, chúng ta chỉ phòng chống tác hại của nó, đặc biệt với những người chưa trưởng thành (vị thành niên) thì tác hại của nó sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều so với người lớn tuổi thông thường; phụ nữ mang thai khi uống rượu bia sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mẹ và thai nhi…", ông Tuấn nói.

Theo TBKD


Tags

Chia sẻ trên

10/11/2018 | Đăng bởi: Thiên Hương

Vào CPTPP: Cơ hội lớn phát triển nền nông nghiệp thông minh

Trao đổi với PV Báo NTNN, TS Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, vào CPTPP Việt Nam có nhiều cơ hội hơn thách thức, góp phần nâng cao vị thế cho đất nước và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thông minh.

12/11/2018 | Đăng bởi: Công Trí

Tập đoàn SunRice mua lại nhà máy chế biến gạo của Việt Nam

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Tập đoàn SunRice đưa ra thông báo về việc hoàn tất việc mua lại nhà máy chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.

10/11/2018 | Đăng bởi: Thanh Sơn

Festival Lúa gạo Việt Nam lần III và công bố LOGO thương hiệu gạo Việt Nam

Ngày 6/11, tại TP HCM, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Long An đã tổ chức họp báo giới thiệu về “Festival Lúa gạo Việt Nam – Lần III - Long An, năm 2018” và “Lễ công bố LOGO thương hiệu gạo Việt Nam”, sẽ được tổ chức tại TP Tân An (Long An) từ 18-24/12/2018.