Khó hút đầu tư vào chợ

Khó hút đầu tư vào chợ

04/11/2018 | Tác giả: Thy Lê


Chợ có thể cạnh tranh với siêu thị, trung tâm thương mại nhưng cần phải có diện mạo mới hay nói cách khác là thu hút vốn để nâng cấp, cải tạo các hệ thống chợ đang xuống cấp, xập xệ như hiện nay. Tuy nhiên, đang xảy ra thực tế là rất ít doanh nghiệp muốn đầu tư, cũng như nếu đầu tư sẽ cải tạo thế nào để tránh làm mất đi bản sắc của chợ.

Khó hút đầu tư vào chợ

Theo Bộ Công Thương, đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ trong quy hoạch, trong đó đa phần là chợ hạng III (87%), cơ sở vật chất còn hạn chế; chợ đầu mối chưa phát triển (83 chợ, chiếm 0,97%); chợ nông thôn chiếm 74,5%.

Đa phần các chợ đang hoạt động hiệu quả, chiếm 97%. Tính chung giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình 35-40%.

Chợ có thể cạnh tranh với siêu thị, trung tâm thương mại nhưng cần phải có diện mạo mới

Cạnh tranh với siêu thị?

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, hệ thống chợ chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số chợ có quy mô nhỏ; chưa tương xứng với vị trí và vai trò của chợ.

Đánh giá về các chợ ở Hà Nội, ông Steve Davies, chuyên gia nghiên cứu về chợ, Đồng sáng lập và Phó chủ tịch điều hành Tổ chức Project for Public Spaces (PPS – Mỹ), cho rằng Hà Nội có khoảng 60 chợ dân sinh không phải là một con số ít, nhưng hầu hết các chợ đều ở trong tình trạng tồi tệ, xập xệ.

Nhóm nghiên cứu của ông Steve Davies vừa qua đã khảo sát các khách hàng ở một chợ thực phẩm, 70% khách hàng cho biết cũng mua hàng ở các siêu thị, cho thấy họ thích cả hai loại hình cung cấp.

Nghiên cứu gần đây của Đại học Adelaide (Australia) cũng cho thấy người dân mua hàng ở các chợ thực phẩm vì sự tươi ngon, giá cả thấp và linh hoạt. Họ cũng mua hàng ở siêu thị vì cảm thấy thực phẩm ở đó an toàn và chất lượng hơn, mặc dù đắt đỏ hơn. An toàn thực phẩm chắc chắn là điều mà các chợ Hà Nội có thể làm được tốt hơn. Hiện nay, người dân mua thực phẩm tươi sống ở chợ nhiều hơn là trong siêu thị.

Như vậy, theo vị chuyên gia này, chợ có thể cạnh tranh với siêu thị, nhưng cần phải cải tạo chợ. Phần lớn những cải tạo này là những vòm mái chợ đẹp để bảo vệ người bán và người mua trước điều kiện thời tiết, sàn chợ phải dễ làm sạch, những quầy hàng có nhiều chức năng hơn cho người bán, cơ sở hạ tầng và tiện ích tốt hơn.

Thực tế đang cho thấy phần nhiều những điều cần phải làm thuộc về bảo trì chợ đang bị chậm trễ, khiến các khu chợ dần bị xuống cấp. Đã đến lúc cần những cam kết nghiêm túc tái đầu tư cho các khu chợ.

Bộ Công Thương cũng cho rằng thời gian tới cần phải tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ trung tâm quận, thị xã, thành phố hiện có; duy trì các chợ cấp phường (hoặc liên phường) hoạt động có hiệu quả, có cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm, nằm trong quy hoạch, phục vụ đông đảo người dân trên địa bàn. Với các chợ xuống cấp và quá tải, mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, chợ tạm, chợ không có trong quy hoạch đều phải chuyển đổi công năng, giải thể hoặc sáp nhập.

Nâng cấp và giữ bản sắc

Tuy nhiên, đang xảy ra thực tế rất ít doanh nghiệp (DN) muốn đầu tư cải tạo, xây dựng chợ. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng chợ truyền thống từ xa xưa đã luôn được bố trí tại các địa điểm giao thông thuận tiện để thu hút khách hàng, thuận tiện cho mua bán.

Trong thời kinh tế thị trường đang mở cửa, những nhà đầu tư ngắn hạn thay vì làm cho chợ trở nên tốt hơn thì lại nhìn thấy những bất động sản béo bở. Vì thế, rất nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội đã bị biến mất, trở thành những "tổ hợp" mà không biết nên gọi là gì, thương mại thì không hoạt động mà hỗn hợp nhà ở thì rất bất tiện. Chính vì cách đầu tư ngắn hạn đó mà những nhà đầu tư đó đã thất bại.

"Bây giờ, chợ đang kẹt ở giữa những sự thèm muốn của các nhà đầu tư nhưng lại hờ hững với việc đầu tư thực sự nên nhiều chợ hoạt động cầm chừng, chất lượng chợ xuống cấp do mất vệ sinh và nguy cơ cháy nổ rất cao", ông Ánh đánh giá.

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Nhà nước cần có cơ chế chính sách nhằm xã hội hóa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế cũng như các nguồn lực xã hội khác chung tay cùng tham gia xây dựng và khai thác, phát triển hệ thống chợ trên phạm vi cả nước.

Nhấn mạnh các chợ thực phẩm cần được hiện đại hóa, song ông Steve Davies cho rằng điều đó không có nghĩa là phải bị biến thành các trung tâm thương mại hoặc đưa xuống tầng hầm của một trung tâm thương mại.

Trên thế giới, các khu chợ được hiện đại hóa với những kết cấu, hạ tầng, tiện ích điện nước, quầy hàng và tiện ích cho khách hàng, nhưng đó vẫn phải là những khu chợ và giữ được các chức năng hoạt động cơ bản và bản sắc.

Theo TBKD


Tags

Chia sẻ trên

04/11/2018 | Đăng bởi: Tú Uyên

Đặc sản tỏi Lý Sơn nổi tiếng rớt giá thê thảm

Hiện nay khách du lịch đến huyện đảo Lý Sơn mua tỏi chỉ mua bằng niềm tin hoặc tin tưởng vào hướng dẫn viên địa phương.

05/11/2018 | Đăng bởi: Hải Châu

Gucci ngại thương mại điện tử với Trung Quốc vì sợ bị làm nhái

Thương hiệu thời trang hạng sang danh tiếng của Italia đang phân vân trong việc hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc của Alibaba và JD.com, bởi chưa có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu đối với một thị trường mà hàng nhái, hàng giả đã trở thành "quốc nạn".

03/11/2018 | Đăng bởi: Hồng Châu

Bưởi da xanh giá rẻ chất đống bán vỉa hè Sài Gòn

Vụ này lượng bưởi da xanh đạt chuẩn xuất khẩu giảm, hàng tồn nhiều nên được bán với giá rẻ