Hợp tác xã thích ứng với biến đổi khí hậu
19/08/2021 | Tác giả: Hải Yến
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Để ngành Nông nghiệp phát triển và đạt năng suất cao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Với hướng đi này, nhiều HTX đã khẳng định được vị thế đối với sự phát triển kinh tế của địa phương.
Phát triển nông nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt
Dưới cái nắng như đổ lửa của mùa hè nhưng vườn cây ăn quả rộng gần 2ha của anh Nguyễn Ngọc Cương thôn 7, xã Lý Trạch (Bố Trạch) vẫn phát triển rất xanh tốt. Vừa giao xong chuyến hàng cho cửa hàng rau sạch An Nông ở TP. Đồng Hới trở về, anh Nguyễn Ngọc Cương, Giám đốc HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tâm An (HTX Tâm An) dẫn chúng tôi tham quan một vòng vườn cây ăn quả. Anh cho biết, trước đây, toàn bộ diện tích cây ăn quả này là đất trồng cao su.
Tuy nhiên, do vùng này là đất cát nghèo chất dinh dưỡng nên trồng cây cao su hiệu quả không cao. Sau khi được bố mẹ chuyển nhượng cho số diện tích đất này, anh đã nghiên cứu và đưa ra quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả và đưa công nghệ cao vào sản xuất.
“Đất ở đây cằn cỗi, kém dinh dưỡng, không thể sản xuất độc canh, nên tôi đưa cây ổi và giống cây na Thái Lan, Đài Loan, vú sữa vào sản xuất xen canh. Đặc biệt, để ứng phó với khí hậu khắc nghiệt, tôi đã đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng hệ thống tưới nước phun sương. Vì vậy, về mùa hè, số diện tích cây ăn quả này vẫn phát triển xanh tốt và cho năng suất cao. Bên cạnh đó, do đặc điểm đất cát dễ bị xói mòn, rửa trôi nên tôi giữ một lớp cỏ trên bề mặt đất. Chính vì vậy, về mùa mưa, đất vẫn giữ được chất dinh dưỡng tốt cho cây”, anh Cương chia sẻ.
Với cách sản xuất hiệu quả này, năm 2017, anh thành lập HTX Tâm An và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các thành viên trong HTX. Hiện những ứng dụng công nghệ cao này của anh đã được 7 thành viên của HTX Tâm An áp dụng hiệu quả.
Cũng giống như xã Lý Trạch, vùng đất xã Hưng Trạch (Quảng Trạch) với đặc thù là đất cát, nghèo chất dinh dưỡng cũng rất khó để đầu tư sản xuất nông nghiệp, nhất là với những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Với chất đất này, người dân nơi đây chỉ gắn bó với cây sắn, củ khoai và hoa màu.
Năm 2019, với mong muốn thay đổi lối canh tác truyền thống, tạo ra hướng đi sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, anh Võ Trung Tuấn đã thành lập HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan.
Với mô hình này, anh đã đầu tư 250 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà màng và hệ thống tưới nước phun sương. Loại cây trồng chủ lực là dưa lưới và rau củ, quả các loại. Anh cho biết: “Với mô hình sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao, chúng tôi giảm được những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết và côn trùng. Nhờ được trồng trong môi trường nhà màng nên dưa lưới và rau, củ phát triển tốt hơn, năng suất mang lại cũng cao hơn so với lối canh tác truyền thống”.
Tiềm năng kinh tế cao
Nhờ sự linh hoạt thay đổi hướng sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu nên một số HTX đã đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, anh Nguyễn Ngọc Cương đã thu lại những "quả ngọt" cho mình.
Anh vui mừng cho biết: “Hiện cây na Thái Lan, Đài Loan, vú sữa và ổi của vườn đều phát triển rất tốt. Do được chăm sóc và trồng theo mô hình an toàn nên đầu ra cho cây ổi và cây na Thái Lan là các cửa hàng rau sạch ở TP. Đồng Hới, như: An Nông, Đông Dương... và những khách hàng quen ở các tỉnh phía Nam. Trung bình mỗi năm với 2ha vườn cây ăn quả này gia đình tôi lãi khoảng 250 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, trong thời gian tới, số lượng cây na Đài Loan và vú sữa đến kỳ thu hoạch hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao hơn!”.
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân. Để giảm thiểu rủi ro do thời tiết cực đoan mang lại, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được các HTX hướng đến.
Bà Trần Thị Ánh Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hải Nam, TP. Đồng Hới chia sẻ: “HTX hiện đang có các sản phẩm chính là bột tía tô, rượu dâu tằm và rượu sim. Nguyên liệu sản phẩm là từ các thành viên HTX. Chúng tôi kiểm soát chất lượng và thu mua về để sản xuất và đóng chai.
Ngoài ra, HTX cũng đang nhận thi công các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy đây là hướng sản xuất ưu điểm, vừa giảm được rủi ro do thời tiết, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, dự định cuối năm nay, HTX sẽ đầu tư diện tích 1ha để xây dựng nhà màng và hệ thống tưới nước tự động, từ đó, trồng xen canh cây dâu tằm và cây tía tô nhằm chủ động đầu vào và kiểm soát chất lượng tốt hơn”.
Theo ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi phù hợp trong tình hình diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt như hiện nay. Trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và đã cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, HTX sẽ khuyến khích và xây dựng chính sách hỗ trợ để có nhiều HTX hơn nữa tham gia vào mô hình sản xuất công nghệ cao, qua đó, thúc đẩy nền nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại.
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/