Hệ lụy nhãn tiền từ vụ 1,6 triệu tấn lúa mì nhiễm cỏ kế đồng
22/10/2018 | Tác giả: Admin
Rất nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm lo lắng, với việc Cục Bảo vệ thực vật ra văn bản yêu cầu tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng...
Mấy ngày qua, một số ý kiến cho rằng: Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã làm sai thẩm quyền, khi ra văn bản yêu cầu tái xuất các lô hàng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng từ 1/11. Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, việc yêu cầu tái xuất lúa mì là đúng chức trách, không trái luật, nhưng cũng đã chấp nhận tạm thời rút lại văn bản này.
Doanh nghiệp lo lắng…
Rất nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm lo lắng, với việc Cục Bảo vệ thực vật ra văn bản yêu cầu tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng. Ông Vương Gia Tuệ, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu bột mì cho hay, khi đưa ra yêu cầu các đối tác bán lúa mì từ Mỹ, Canada, Nga… rằng trong sản phẩm không được nhiễm cỏ kế đồng, thì các đối tác đều từ chối. Họ nói chỉ có thể đảm bảo tỷ lệ nhiễm cỏ kế đồng từ 0-5%.
Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Nam kỹ nghệ bột mỳ, cho rằng: Làm sao chúng tôi biết được loại lúa mì nào nhiễm cỏ. Bên bán hàng nói lô hàng đã cấp chứng thư không nhiễm cỏ. Về đây mới kiểm, doanh nghiệp không biết mà phụ thuộc vào Cục Bảo vệ thực vật. Việc thực hiện tái xuất đối với các lô lúa mì nhập khẩu nhiễm cỏ này là rất khó cho các doanh nghiệp. Một lô hàng trị giá vài trăm tỷ đồng, nếu tái xuất thì doanh nghiệp thiệt hại lớn.
Theo một số doanh nghiệp, lợi dụng việc Việt Nam chủ trương buộc tái xuất lúa mì nhiễm cỏ dại, hiện các nhà cung cấp lúa mì ở các nước chưa nhiễm cỏ kế đồng, đang lợi dụng tình hình đẩy giá lên. Mấy ngày nay, giá mua lúa mì bị đẩy lên 320 USD/tấn, trong khi các tháng trước chỉ 240 USD/tấn.
Mới đây, tại cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 5 bộ về cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm các điều kiện kinh doanh doanh, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM cũng nêu lên vấn đề này.
Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng: "về thẩm quyền ban hành văn bản thì chắc chắn sai thẩm quyền, Cục không có thẩm quyền ban hành văn bản như vậy. Chưa xét đúng sai, nhưng khi ban hành văn bản như vậy tác động rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp".
Theo Cục Bảo vệ thực vật, lô hàng lúa mì đầu tiên bị phát hiện nhiễm cỏ kế đồng vào ngày 8/5/2018 có xuất xứ từ Nga. Ngay khi đó, Cục Bảo vệ thực vật đã cung cấp thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp nhập khẩu biết để chủ động, chỉ nhập hàng khi đảm bảo không nhiễm cỏ dại.
Thế nhưng, từ khi phát hiện và cảnh báo cách đây 5 tháng, đến nay vi phạm diễn ra càng nghiêm trọng hơn. Tính đến ngày 10/10/2018, đã có hơn 1,6 triệu tấn lúa mì bị nhiễm có kế đồng nhập từ Nga, Mỹ, Canada và một số quốc gia khác.
…cơ quan quản lý kiên quyết
Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, cỏ kế đồng có tên khoa học là Cirsium arvense, là loài cỏ xâm hại nguy hiểm, gây hại cho hơn 27 loại cây trồng, xâm hại các vườn, vùng trồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia. Khi cỏ này xuất hiện, chúng "tấn công" trực tiếp cây trồng và môi trường, gây tốn kém chi phí để phòng trừ, kiểm soát. Chỉ tính riêng tại Mỹ, hàng năm cỏ kế đồng đã gây thiệt hại mùa màng hàng trăm triệu USD, cộng thêm hàng chục triệu USD mua thuốc hóa học phòng trừ.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nêu quan điểm: Việt Nam xuất khẩu đi vài kg trái cây mà bị phát hiện có giòi đục quả là các nước đều cảnh báo vị phạm, 5 lô tiếp theo mà bị là họ đóng sập cửa thị trường. Không lý nào, sản phẩm của họ nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vậy gây hại, mà chúng ta để tự do cho nhập.
"Nếu loại cỏ này phát tán ở Việt Nam, thì toàn bộ nông sản có nguồn gốc thực vật từ Việt Nam xuất khẩu đi các nước sẽ bị chặn lại. Hiện mỗi năm xuất khẩu sản phẩm trồng trọt đem về hơn 20 tỷ USD. Nếu các nước dựng hàng rào chặn nông sản xuất khẩu từ Việt Nam, sẽ thiệt hại rất lớn", ông Trung nhấn mạnh.
Ông Trung khẳng định, tái xuất là biện pháp rất bình thường, đây là công tác nghiệp vụ về kiểm dịch thực vật, đúng thẩm quyền của Cục Bảo vệ thực vật. Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật đồng ý sẽ tạm dừng việc tái xuất này. Nhưng nếu các quốc gia xuất khẩu không có biện pháp khắc phục, chúng ta có chủ quyền thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật theo quy định và thông lệ quốc tế.
"Với 3 thị trường nhập khẩu lúa mì lớn của Việt Nam là Mỹ, Nga và Canada, Cục sẽ đàm phán để bàn giải pháp có thể đạt được phương án giải quyết mà cả ba bên đều chấp nhận được. Nếu không đạt được thỏa thuận, Cục sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa ra quyết định cuối cùng về tái xuất hay tạm ngừng nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần chia sẻ và chuẩn bị kế hoạch việc tái xuất hoặc tạm ngừng. Nếu áp dụng hình thức tái xuất, Cục sẽ thông báo cho doanh nghiệp ít nhất trước 1 tháng", ông Trung khẳng định.
Theo VnEconomy