Nông nghiệp trách nhiệm

Hà Nội đi đầu trong phát triển ""nông nghiệp trách nhiệm""

02/08/2021 | Tác giả: Hải Yến


Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào phát triển "nông nghiệp trách nhiệm". Theo đó, thành viên tham gia trong chuỗi sản xuất làm việc có trách nhiệm với sản phẩm của mình, với người tiêu dùng và môi trường.

Hà Nội đi đầu trong phát triển
Nông dân Hà Nội nỗ lực sản xuất nông nghiệp an toàn, trách nhiệm với sức khỏe bản thân và xã hội.

"Mưa dầm thấm lâu"

Thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) là một trong những vùng sản xuất rau an toàn lớn của Hà Nội. Hiện, nông dân nơi đây đang canh tác hơn 200ha rau màu các loại. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, thành viên hợp tác xã hằng năm đều được tham gia các lớp tập huấn canh tác, chăm sóc rau an toàn. Đặc biệt là thông tin và khuyến cáo về việc sử dụng các hoạt chất bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Nhờ đó, thời gian qua, chất lượng rau xuất bán ra thị trường tương đối ổn định. Thông điệp "nông nghiệp trách nhiệm" đã được hợp tác xã gửi tới thành viên với nhiều hình thức, qua các lớp tập huấn, truyền thanh, tờ rơi... "Mưa dầm thấm lâu", nhận thức của nông dân đã thay đổi đáng kể.

Chị Chu Thúy Vang, cán bộ Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Phú Xuyên cho rằng, nâng cao trách nhiệm sản xuất nông sản của một vài hộ dân đã khó, chưa nói đến một làng, một xã... nhưng từ nhiều năm trước, Hà Nội đã đồng loạt mở các lớp sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Từ lớp học cấp xã đến lớp học cấp thôn, cứ thế lan tỏa, nông dân có trách nhiệm hơn với sức khỏe bản thân và cộng đồng. Khẩu hiệu "Nông dân Hà Nội chỉ sản xuất và cung ứng ra thị trường sản phẩm nông sản an toàn" đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ tại địa phương.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho hay, với ngành bảo vệ thực vật, đối tượng của "nông nghiệp trách nhiệm" trước đây dừng ở phân bón, các chế phẩm sinh học... thì nay mở rộng toàn diện vấn đề về dịch hại, an toàn thực phẩm, chất lượng hệ sinh thái... Ngay từ những năm 2000, hàng nghìn lớp tập huấn IPM (quy trình quản lý dịch hại tổng hợp) đã được triển khai bền bỉ tới thôn, tổ, đội sản xuất. Trong 5 năm qua, Hà Nội đã tổ chức 1.139 lớp tập huấn về IPM rau cho 34.170 nông dân, qua đó, 100% số nông dân tiếp thu và ứng dụng, lan truyền tới 50.000 nông dân khác; tổ chức 897 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn cho 49.500 người, trong đó, 100% số người được tập huấn nắm rõ quy định về an toàn thực phẩm; triển khai, thực hiện hơn 500 thử nghiệm kỹ thuật mới không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, như che phủ nilon, nhà lưới trồng rau trái vụ được triển khai tại 116 xã...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thăm mô hình lúa hữu cơ vụ xuân 2021 tại huyện Ứng Hòa.

Trách nhiệm với ngành và toàn xã hội

Trong đợt làm việc mới đây, khi thăm các mô hình nông nghiệp tiêu biểu của huyện Ứng Hòa, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận xét: "Mỗi sản phẩm nông nghiệp Thủ đô cần kể được một câu chuyện về mình, nâng cao trải nghiệm cho người mua. Phải làm sao để khi sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng thấy được cam kết, trách nhiệm của cả ngành nông nghiệp và toàn xã hội". Sở dĩ cần sản xuất có trách nhiệm vì mỗi sản phẩm nông nghiệp phải thông qua nhiều công đoạn, từ giống đến môi trường sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ... Đây là chặng đường dài, liên đới đến nhiều ngành nghề, nhiều thành phần lao động, chỉ cần một mắt xích nhỏ trong chuỗi không làm tròn trách nhiệm thì chất lượng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Hà Nội đã đi đầu cả nước khi làm được việc này, mỗi mắt xích đang có những nỗ lực không ngừng để cam kết về chất lượng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, trong giai đoạn 2021-2025, phát triển "nông nghiệp trách nhiệm" tiếp tục là đích mà ngành nông nghiệp lựa chọn. Hà Nội sẽ thực hiện rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung; đẩy mạnh đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất. Bên cạnh đó, thành phố cũng ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; khai thác tối đa thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ nano... trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... nhằm bảo đảm mắt xích nào cũng đạt chất lượng tốt nhất, an toàn nhất.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ dự án liên kết đầu tư trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết, như: Nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, phương tiện vận chuyển chuyên dụng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho dự án liên kết; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm cho các bên tham gia liên kết chuỗi; hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi cho các bên tham gia liên kết...

Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/


Chia sẻ trên

31/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Nông nghiệp Thủ đô: Nỗ lực với ""nhiệm vụ kép""

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động phối hợp với các địa phương nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Bằng nhiều giải pháp, các doanh nghiệp, hợp tác xã...đang duy trì sản xuất an toàn để bảo đảm ổn định nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.

02/08/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn chuyển mình nhờ... Nghị quyết

Đó là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW). Thực hiện nghị quyết, nền nông nghiệp của huyện Lệ Thủy đã từng bước được hiện đại hóa, nhiều nông dân giàu lên nhờ sản xuất, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

31/07/2021 | Đăng bởi: Hải Yến

Đắk Nông: Thu hồi gần 70.000m2 đất trồng rừng bị lấn chiếm trái phép

Ông Chương Hoa Tài đã có hành vi lấn chiếm trái phép gần 70.000m2 đất nông nghiệp là đất trồng rừng sản xuất tại tiểu khu 1798, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông.