Giảm chi phí để tăng giá trị thủy sản

Giảm chi phí để tăng giá trị thủy sản

26/11/2018 | Tác giả: Thế Vinh


Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản nuôi trồng lớn trên thế giới, nhưng chi phí sản xuất, kiểm soát dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản còn cao so với các quốc gia khu vực, mức độ công nghệ hóa ươm con giống và cải thiện chất lượng nuôi còn thấp

Giảm chi phí để tăng giá trị thủy sản

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết công ty đã và đang đầu tư các phòng lab kiểm tra kháng sinh ở các vùng nuôi với chi phí đầu tư bình quân 10 tỷ đồng/ phòng lab.

"Hơn nữa, chi phí kiểm tra kháng sinh cho 1kg tôm nguyên liệu khoảng 6.000 đồng, quy ra 1kg thành phẩm tốn khoảng 9.000 đồng. Như vậy đã làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam với các quốc gia khác", ông Quang nói.

Chi phí cao cản đường cạnh tranh

Ngoài vấn đề kiểm soát dư lượng kháng sinh, có thể thấy chi phí sản xuất thủy sản ở Việt Nam còn khá cao, từ con giống, thức ăn cho đến hóa chất, nhiên liệu…

Trong khi sức ép từ các thị trường nhập khẩu quan trọng ngày càng cao, thách thức lớn cho ngành thủy sản Việt Nam là mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, nhất là với tôm.

Vì thế, thủy sản nuôi trồng chưa đáp ứng được các điều kiện về năng suất và sản lượng tập trung để thúc đẩy liên kết. Đặc biệt là chưa ứng dụng mạnh công nghệ trong quá trình sản xuất dẫn đến việc gia tăng chi phí.

Chia sẻ tại chương trình đối thoại bàn tròn ngành thủy sản 2018 với chủ đề "Làm thế nào để nâng cao giá trị cho sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam" diễn ra ở Tp.HCM ngày 22/11, ông Quang cho biết thêm: Hiện nay, nhiều thị trường nhập khẩu tôm rất ưa chuộng và chú trọng đến màu sắc tôm, yêu cầu tôm luộc lên có màu đỏ. Trong khi đó, các sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng, nên khó đạt yêu cầu của khách hàng.

Đây chính là một phần hạn chế của sản phẩm tôm nuôi ở Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam so với tôm từ các "đối thủ" sản xuất khác.

Ở góc độ một nhà chế biến và xuất khẩu (XK) cá tra, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn, nhấn mạnh trong ba năm trở lại đây, ngành nuôi trồng cá tra của Việt Nam bị thiếu cá giống (đặc biệt là vào trái vụ).

Có những giai đoạn XK cá tra đang có đủ nguyên liệu nhưng do cầu lại tăng lên từ thị trường Trung Quốc nên nguồn nguyên liệu bị thiếu, là cơ hội kéo giá XK lên. "Thế nhưng, điều đáng tiếc là phương pháp, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản của chúng ta hầu như không có cải tiến đáng kể, vì vậy thiếu con giống. Ngoài vấn đề môi trường, chúng ta chưa có cải tiến ứng dụng công nghệ trong ươm giống và cải thiện chất lượng nuôi", bà Khanh nhấn mạnh.

Cần tránh phân biệt nuôi trồng thuỷ sản để XK khác với tiêu thụ nội địa

Tính đến tháng 10/2018, sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước đã đạt 3,3 triệu tấn, tăng 106,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá tra đạt 1 triệu tấn (tăng 10%), tôm nước lợ đạt 600.000 tấn (tăng 3,8%).Kiện toàn liên kết sản xuất

Tuy nhiên, theo đánh giá từ Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), chất lượng con giống và nguồn cung con giống hiện nay không ổn định. Đây là một thách thức cần được giải quyết sớm nếu muốn tăng trưởng nuôi trồng thủy sản thời gian tới.

Đáng chú ý là việc áp dụng các chứng nhận tiêu chuẩn hiện nay còn khó khăn khi các trại nuôi nhỏ không dễ áp dụng các chứng chỉ Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Thực hành quản lý tốt (BMP), Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vasep Trương Đình Hòe lưu ý cần tránh tình trạng phân biệt giữa nuôi trồng thủy sản để XK khác với tiêu thụ nội địa, cũng là một vấn đề cần sớm giải quyết.

Có thể thấy, thách thức lớn của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam trong thời gian tới chính là chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước khác, đối với rào cản kỹ thuật, với tự do thương mại và lao động trong ngành thủy sản khi tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chính vì thế, các chủ thể trong ngành, bao gồm người sản xuất, doanh nghiệp (DN) chế biến và XK, đặc biệt là các DN cung cấp đầu vào như giống, thức ăn cần đóng vai trò quyết định trong chuỗi giá trị ngành thủy sản. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ cần phải được thúc đẩy một cách hợp lý hơn.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, khẳng định: "Để nâng cao giá trị và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thủy sản nuôi trồng Việt Nam cần sự tham gia của các DN, người sản xuất và các tổ chức, đối tác quan trọng".

Theo ông Luân, điều này sẽ giúp khai thác tối đa cơ chế minh bạch thông tin đầu vào sản xuất, tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng thủy sản nuôi. Đặc biệt là sự hợp tác giữa hai khối nhà nước – tư nhân nhằm góp phần tăng lợi nhuận bằng việc giảm chi phí đầu vào sản xuất để tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Giới chuyên gia khuyến nghị cần phát huy lợi thế của ngành nuôi trồng thủy sản Việt thông qua việc tăng cường thực thi các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là cần kiện toàn liên kết sản xuất để nâng cao hiệu qủa sản xuất và tối ưu hóa chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu để đảm bảo sản phẩm thủy sản Việt có thể khẳng định giá trị lợi thế trên toàn cầu.

Theo TBKD


Chia sẻ trên

24/11/2018 | Đăng bởi: Phan Huyền

Thị trường bán lẻ hẹp hay rộng?

Theo đánh giá của Vietnam Report, Việt Nam đang là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất châu Á do tăng trưởng kinh tế và chi tiêu tiêu dùng gia tăng. Tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ duy trì ở mức rất cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ đạt khoảng 120 tỷ USD vào năm 2017, ước đạt 160 tỷ USD vào 2020.

27/11/2018 | Đăng bởi: Mạnh Đức

Xem xét thận trọng hiệu quả của nhiệt điện than

Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn từ nay đến 2030, nhiệt điện than vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nhiệt điện than đang gây nguy cơ ô nhiễm rất cao và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

24/11/2018 | Đăng bởi: Duyên Duyên

Trung Quốc mua 2,4 tỷ USD rau quả Việt Nam trong 10 tháng

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 10/2018 giảm 0,9% so với tháng trước đó, nhưng tính chung 10 tháng năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường này vẫn đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017.