Điều tiết thị trường xuất khẩu cá tra

Điều tiết thị trường xuất khẩu cá tra

11/12/2018 | Tác giả: Thế Vinh


Nhìn lại tình hình xuất khẩu cá tra trong gần cả năm 2018 sẽ thấy, nếu như thị trường Mỹ mang tính chất dẫn dắt, thị trường Trung Quốc lại rất nhạy cảm. Đây là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần điều tiết, kể cả sản lượng và giá bán.

Điều tiết thị trường xuất khẩu cá tra

Với những doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong xuất khẩu (XK) cá tra, dù gặp nhiều rào cản nhưng vai trò dẫn dắt của thị trường Mỹ vẫn rất lớn. Thời gian gần đây, một số nhà nhập khẩu ở Mỹ có thể gặp lỗ với con tôm, nhưng lại thu lợi nhuận rất cao từ cá tra trong quý II và III.

Các DN cần thận trọng quan sát khi Trung Quốc bắt đầu nuôi cá tra

Lợi nhuận toàn chuỗi

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn, điều đặc biệt ở thị trường Mỹ là sản lượng cá tra có một dung lượng nhất định, không như thị trường Trung Quốc – các DN XK cá tra của Việt Nam còn một khoảng không gian rất lớn để phát triển thị trường. Do đó, đây là thời điểm các DN XK cá tra cần điều tiết, kể cả sản lượng và giá bán.

Trong cơ cấu các thị trường XK cá tra chủ lực của Việt Nam hiện nay, Mỹ đang chiếm 23%, Trung Quốc chiếm 24%, EU chiếm 11%.

"Từ cơ cấu thị trường này đòi hỏi các DN XK cá tra cần suy nghĩ về vai trò của thị trường Trung Quốc – một thị trường XK chính cho cá tra Việt. Phải hiểu được thị trường Trung Quốc để có những ứng xử nhằm phát triển bền vững", bà Khanh nói.

Nếu như thị trường Mỹ mang tính chất dẫn dắt, đã đưa mức thuế suất đối với cá tra nhập khẩu đi lên, thì thị trường Trung Quốc cũng rất nhạy cảm, chấp nhận mức giá cá tra đi lên rất nhanh nhưng đi xuống cũng rất nhanh. Trong khi ở thị trường EU hay Australia, mức giá có thể lên chậm hơn nhưng nếu có giảm giá thì sẽ giảm chậm hơn.

Trong dự đoán mới nhất, giới chuyên gia cho rằng giá trị XK cá tra trong năm nay có thể đạt đến 2,4 tỷ USD, là năm đầu tiên vượt mốc 2 tỷ USD. Về sản lượng XK, qua tính toán có thể năm nay chỉ tăng khoảng 6% so với năm ngoái, nhưng về kim ngạch lại có mức tăng trưởng hai con số.

Như nhận định của Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn, đây là một trong những điều giúp cho ngành cá tra được khôi phục trở lại, lợi nhuận mang đến cho toàn chuỗi. Kể cả nhà nhập khẩu cũng có lợi nhuận tốt chứ không phải như những năm trước, đặc biệt là ở thị trường Mỹ.

Thị trường EU một thời là thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam, nhưng hiện tại đang ở vị trí thứ ba. Dù đứng trước những thông tin nhằm bôi xấu hình ảnh cá tra Việt Nam nhưng đến nay, nhiều DN XK cá tra Việt vẫn trụ được.

Vì vậy, bà Khanh cho rằng XK cá tra sang EU sẽ dần dần khôi phục về sản lượng lẫn kim ngạch nếu biết cách để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Thận trọng quan sát

Về nguồn cung cá tra trên thị trường thế giới hiện nay, ngoài Việt Nam (cung cấp 52% tổng sản lượng), cá tra còn được nuôi phổ biến ở Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Malaysia.

Gần đây, theo lưu ý của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), một số DN Trung Quốc cũng bắt đầu đẩy mạnh chuyển sang đầu tư nuôi cá tra để XK. Tuy nhiên, do mới bắt đầu nuôi nên chất lượng cá tra tại Trung Quốc được cho là còn khá thấp.

Vừa qua, Vasep đã khuyến cáo các DN trong nước nên cân nhắc hoạt động sản xuất khi Trung Quốc bắt đầu đầu tư và nuôi cá tra. Vasep cho rằng điều này có thể dẫn đến những tính toán khó lường trong hoạt động nhập khẩu cá tra Việt Nam trong tương lai của Trung Quốc.

Nhìn lại hoạt động XK cá tra trong năm 2018, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thủy sản Trường Giang (khu công nghiệp Sa Đéc, Đồng Tháp), cho biết đây là năm thuận lợi nhất. May mắn là ở thị trường Trung Quốc không có loại cá nào có thể thay thế con cá tra, dù đây là quốc gia sản xuất cá rô phi lớn nhất thế giới.

"Cá tra với cá rô phi có mức giá ngang nhau, nhưng người Trung Quốc có ấn tượng rất xấu về con cá rô phi nên họ không dùng. Chính điều đó mà sản lượng cá tra của Việt Nam bán vào Trung Quốc không đủ, đẩy giá cao kỷ lục", ông Văn nói.

Theo ông Văn, sản lượng và giá trị XK cá tra của Việt Nam khiến cho một số nước châu Á (trong đó có Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc) thèm muốn. Vì vậy, bằng mọi cách, họ sẽ nuôi cá tra để tiến đến XK. Vì vậy, các DN XK cá tra cần quan sát lại xem cách họ nuôi và chế biến như thế nào.

Cũng theo ông Văn, một số DN XK cá tra còn gặp trở ngại tại thị trường Trung Đông, điển hình như Ả rập Xê út không cho cá tra Việt nhập vào, dù các quốc gia khác trong khu vực vẫn nhập từ Việt Nam với sản lượng tăng lên.

Nguyên nhân là vì trước đây có một số công ty xuất cá tra vào Trung Đông, vì mức giá rất thấp nên đã hạ chất lượng, nên khách hàng quyết định không mua nữa. Đây cũng là bài học mà các DN XK cá tra cần rút ra để tránh đi vào "vết xe đổ".

Theo TBKD


Chia sẻ trên

11/12/2018 | Đăng bởi: Chu Khôi

Nhập khẩu nhiều loại nông sản tăng mạnh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản tháng 11/2018 đạt 2,8 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 11 tháng của toàn ngành lên 28,8 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Với việc thức ăn chăn nuôi và sản phẩm thịt trứng sữa có tổng giá trị nhập khẩu lên tới 5,44 tỷ USD đã đẩy chăn nuôi trở thành lĩnh vực nhập siêu "khủng nhất" trong toàn ngành nông nghiệp.

11/12/2018 | Đăng bởi: Khánh Nguyên

Cam Hà Giang chưa được sang Trung Quốc dù cách cửa khẩu 17km

Theo ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, dù chỉ cách cửa khẩu giáp Trung Quốc 17km, mọi việc thông thương vô cùng thuận lợi, khách hàng nước bạn cũng thích sản phẩm cam sành Hà Giang nhưng đến nay sản phẩm này vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc do chưa nằm trong danh mục được phép xuất khẩu.

10/12/2018 | Đăng bởi: Phạm Vân

Bài toán đầu tư sản xuất nông sản sạch tại Việt Nam

Đầu tư vào nông sản là "mỏ vàng" hay "hang hổ" vẫn là bài toán khiến các "ông lớn" đến nhiều nhà bán lẻ cân nhắc.