Đầu tư vào nông nghiệp: Ngoại sốt sắng, nội thờ ơ

Đầu tư vào nông nghiệp: Ngoại sốt sắng, nội thờ ơ

30/11/2018 | Tác giả: Lê Thúy


Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng đến Việt Nam đầu tư sản xuất nông nghiệp, sau đó xuất khẩu lại chính quốc. Vấn đề đặt ra là bao nhiêu phần trăm giá trị còn lại ở Việt Nam, sản phẩm đó có mang thương hiệu của Việt Nam và điều này có là động lực cho các doanh nghiệp Việt đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn?

Đầu tư vào nông nghiệp: Ngoại sốt sắng, nội thờ ơ

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ là thời cơ để hàng ngoại tấn công thị trường Việt, mà đối với nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài, đây còn là cơ hội đầu tư vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Người Nhật trồng bưởi, nuôi gà

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay có nhiều DN nước ngoài có xu hướng đến Việt Nam đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nông nghiệp, sau đó xuất khẩu (XK) lại nước họ, hưởng ưu đãi thuế quan nhờ FTA. Điển hình như nhiều công ty Nhật Bản sang Việt Nam trồng bưởi, trồng gừng, nuôi gà ở Nghệ An; trồng rau sạch ở Lâm Đồng rồi XK trở lại Nhật Bản.

Như vậy, bao nhiêu phần trăm giá trị còn lại ở Việt Nam? Ông Khanh cho biết hiện chưa có con số thống kê chính xác. Song, đối với các chương trình đầu tư của DN Nhật Bản, đơn cử như đầu tư xây dựng thương hiệu bưởi Thanh Chương (Nghệ An), sau đó XK sang Nhật Bản, chính là đầu tư để phát triển thương hiệu Việt Nam. Còn hàm lượng giá trị gia tăng phụ thuộc vào khả năng DN Việt Nam hợp tác với Nhật Bản.

"Tôi mong rằng cách làm của người Nhật và các công ty nước ngoài tạo ra động lực cho các sản phẩm Việt Nam có thể nâng cao chất lượng", ông Khanh chia sẻ.

Theo ông Hiroshi Matsuura, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, sở dĩ nông dân Nhật Bản bán được một quả xoài giá 4.000 Yên (khoảng 850.000 đồng) vì luôn tuân thủ quy trình sản xuất chuyên nghiệp và hiện đại.

Cụ thể, xoài được trồng theo một quy trình khắt khe, trái trên cây rất to, chỉ thu hoạch sau khi đã chín ở trên cây, tuyệt đối không thu hoạch lúc xanh non. Sau thu hoạch, trái xoài được bọc trong lớp lưới xốp, đóng trong hộp để đảm bảo trong quá trình vận chuyển đến nơi tiêu thụ không bị thối hỏng.

Ông Hiroshi Matsuura cho rằng ở Việt Nam có quả vải rất ngon nhưng chỉ bán tươi lúc vào vụ nên giá trị chưa cao, lúc hết mùa muốn được ăn quả vải tươi cũng không thể. Nếu có thể áp dụng công nghệ bảo quản như cách làm của nông dân Nhật Bản sẽ tạo ra lợi nhuận cao cho nông dân vì họ điều tiết được giá cả thị trường.

Theo đại diện Bộ Công Thương, khi tham gia các FTA thế hệ mới, Chính phủ vẫn luôn tạo ra dư địa cần thiết để tạo điều kiện cho DN Việt Nam phát triển. Đơn cử như một số lĩnh vực chưa cho phép DN nước ngoài làm, hay các lĩnh vực DN nước ngoài làm cũng không được tạo điều kiện như các DN Việt Nam.

Vì vậy, ông Khánh nói: "Tôi một lần nữa mong rằng các DN Việt Nam đừng chỉ quan tâm nhiều tới "đánh bắt xa bờ" – những cái gì tốt nhất dành cho thị trường nước ngoài, để rồi quay lại thị trường trong nước mới thấy thị trường bị chiếm lĩnh rồi".

Người Nhật trồng rau ở Lâm Đồng

"Cởi trói" cho doanh nghiệp

Để có nhiều hơn DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng Chính phủ cần có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến nông sản thực phẩm. Đây là lĩnh vực tiềm năng, chúng ta có thế mạnh về vùng nguyên liệu nhưng không tận dụng được.

Ông Hòa cảnh báo nếu không thay đổi, các nước có công nghệ chế biến sâu hiện đại như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan sẽ vào Việt Nam chiếm lĩnh phân khúc này.

Thực tế, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy hiện nay, cả nước có khoảng 7.600 DN nông nghiệp, chiếm 1% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Nếu tính cả DN nông nghiệp và DN lĩnh vực khác có đầu tư vào nông nghiệp, cả nước có khoảng 49.600 DN, chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Đây là con số quá thấp so với tiềm năng.

Theo Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quá trình hình thành và phát triển của một DN nông nghiệp trải qua nhiều giai đoạn với nhiều hoạt động khác nhau, từ đăng ký DN, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng đến giải quyết phá sản DN.

Quá trình này chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành và địa phương với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thậm chí trong một số trường hợp chỉ là công văn, hướng dẫn hoặc thông báo.

Riêng về kiểm tra chuyên ngành, hiện nay có khoảng 300 văn bản được ban hành, thực thi bởi ít nhất 10 bộ chuyên ngành khác nhau.

Hiện nay, nhiều DN sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP ít ảnh hưởng đến môi trường nhưng vẫn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Ở một góc độ khác, Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), cho biết DN nông thôn không đến từ thu hút đầu tư bên ngoài mà phải chính từ quá trình khởi nghiệp của nông dân.

Lấy ví dụ ở Nhật Bản, ông Sơn cho biết từ năm 1990, nước này đã khuyến khích nông dân thành lập DN và cho DN nông nghiệp mua hoặc thuê đất của nông dân. Năm 2009, Nhật Bản bỏ yêu cầu người sử dụng đất nông nghiệp phải trực tiếp canh tác, cho phép các DN kinh doanh ngoài lĩnh vực nông nghiệp được thuê hoặc mua đất làm nông nghiệp. Năm 2014, các DN nước này đã canh tác trên gần 50% diện tích đất nông nghiệp.

Tại Trung Quốc, khi hệ thống công xã nhân dân giải tán đã hình thành nên lĩnh vực "công nghiệp hương trấn" độc đáo, tăng từ 20% năm 1998 lên trên 40% tổng số sản lượng công nghiệp quốc gia năm 1994, chiếm 56% sản lượng công nghiệp, vượt DN nhà nước, tạo việc làm cho khoảng 130 triệu lao động, gấp hơn hai lần DN nhà nước, dần dần trở thành loại hình DN nông thôn.

Với Việt Nam, ông Sơn cho rằng cách tốt nhất thu hút đầu tư về nông thôn, đưa công nghiệp và đô thị phát triển về nông thôn là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông thuận tiện.

Đây cũng là giải pháp quan trọng để hình thành sức cạnh tranh cho nông nghiệp. Ngoài ra, cần phải đầu tư vào dịch vụ hỗ trợ và công nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản.

Theo TBKD


Chia sẻ trên

30/11/2018 | Đăng bởi: Hữu Đức - Lê Hoàng Vũ

Trái cây tươi xuất khẩu đi châu Âu, không ... quá khó!

Nhà vườn chỉ cần chăm sóc vườn cây ăn trái tươi tốt theo qui trình sản xuất trái sạch và thu hoạch bảo quản đúng cách. Nhiều loại trái ngon miền nhiệt đới từ ĐBSCL đã bán vào các siêu thị trong và ngoài nước.

01/12/2018 | Đăng bởi: Anh Thơ

An toàn thực phẩm cuối năm 2018: Siết chặt để “vượt rào”

Trong bối cảnh các nước dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật, trong đó chú trọng nhất đến vấn đề an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì việc ngành chức năng, các doanh nghiệp và nông dân cần làm lúc này là: Sản xuất an toàn.

30/11/2018 | Đăng bởi: Khánh Nguyên

Vì sao giá bưởi da xanh, cam sành giảm mạnh?

Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, giá nhiều loại quả có múi ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh, nhất là bưởi da xanh và cam sành.