Chuyển đổi thành công cần cả hệ thống chính trị vào cuộc
15/05/2020 | Tác giả: BapGCA
Ninh Thuận là địa phương chuyển đổi cây trồng mạnh nhất tại các tỉnh miền Trung. NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận
Ninh Thuận là địa phương có lượng mưa thấp nhất cả nước, bình quân từ 700-770 mm/năm, thời gian mưa trong năm tập trung từ cuối tháng 9 đến tháng 11.
Nguồn nước cung cấp cho dân sinh, sản xuất của tỉnh phụ thuộc vào 2 nguồn chính từ hồ Đơn Dương điều tiết xả qua hệ thống Thủy điện Đa Nhim đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, nước cho gia súc và nước tưới chủ động cho cây trồng khoảng 34 - 35% và nguồn nước từ 21 hồ chứa có dung tích thiết kế là 194,27triệu m3 để tưới cho trên 14.642ha diện tích canh tác.
Tuy nhiên so với tổng nhu cầu dùng nước tại các vùng hưởng lợi từ 21 hồ chứa thì vẫn còn thiếu khoảng 171 triệu m3.
Từ đó việc chuyển đổi cây trồng là việc làm hết sức cấp thiết, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, Ninh Thuận hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng hạn hán.
Những năm qua chúng tôi đã phối hợp với các địa phương đề xuất UBND tỉnh giao kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc điểm mùa vụ, vùng sinh thái và đối tượng cây trồng tại những vùng hưởng lợi từ các hồ chứa thường xuyên thiếu nước tưới.
Với mục tiêu chuyển đổi diện tích đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả cao theo hướng bền vững, ổn định lâu dài.
Kết quả từ năm 2016 đến vụ ĐX 2019-2020, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được 7.632ha, trong đó diện tích chuyển đổi trên đất lúa 5.596 ha; đất màu 2.063 ha; cây ngắn ngày được 6.020 ha, cây dài ngày chuyển đổi được1.612ha.
Việc thay đổi cơ cấu cây trồng của Ninh Thuận những năm qua rất có hiệu quả và phù hợp điều kiện thực tế tại các vùng sản xuất thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước tưới do năng lực tưới không đáp ứng yêu cầu diện tích cần tưới, thay đổi đối tượng cây trồng thay cho cây lúa, hiệu quả thấp; thay đổi cơ cấu cây trồng vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế diện tích phải bỏ hoang do không đủ nước trồng lúa, vừa duy trì sản xuất ổn định theo hướng bền vững lâu dài, hiệu quả.
Cụ thể, tại những vùng chuyển đổi luân canh 2 vụ lúa và 1 vụ bắp lai (đậu)/năm hoặc trồng 2 vụ bắp và 1 vụ lúa/năm cho thu nhập tăng từ 1,1-1,2 lần so với trồng 3 vụ lúa liên tiếp/năm. Nếu trồng luân canh 2 vụ bắp lai và 1 vụ đậu xanh/năm thì cho thu nhập tăng 1,6 lần so với trồng 3 vụ lúa liên tục/năm.
Đặc biệt việc chuyển đổi bền vững từ lúa sang trồng cây trồng cạn mang lại hiệu quả rất cao. Nếu chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi, mỗi hecta cỏ có thu nhập cao hơn 4-5 lần so với trồng lúa liên tục 3 vụ/năm.
Còn việc chuyển đổi đất lúa sang cây ăn quả thì sau 1 năm kiến thiết cơ bản đối với nho, táo; sau 9 tháng đối với măng tây và sau 3 năm trồng bưởi da xanh, mãng cầu, dừa thì hiệu quả tăng gấp khoảng 8-10 lần so với trồng lúa liên tục 3 vụ/ha/năm.
Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế thì việc chuyển đổi mang lại hiệu quả xã hội như thế nào, đặc biệt là tiết kiệm được nguồn nước trong điều kiện hạn hán nghiêm trọng hiện nay?
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Ninh Thuận những năm qua ngoài hiệu quả kinh tế còn mang lại hiệu quả về mặt xã hội và môi trường rất lớn.
Thứ nhất là giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân tại các vùng sản xuất trong điều kiện thiếu nước không thể gieo trồng lúa.
Thứ hai là tạo ra một khối lượng phụ phẩm để làm thức ăn cho gia súc nhai lại; nếu không sử dụng cho chăn nuôi thì người dân có thể bán, tăng thêm thu nhập.
Ngoài ra việc chuyển đổi đã giúp hạn chế tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ kéo dài.
Đồng thời, luân canh cây trồng cạn như đậu xanh, bắp, cỏ, rau trên đất lúa giúp cải tạo đất và cắt đứt nguồn sâu bệnh hại cây trồng tồn dư của vụ trước.
Bên cạnh đó nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: gieo trồng tập trung, áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại; hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đúng quy trình nên hạn chế được dịch hại, do đó giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Đặc biệt, việc chuyển đổi đã tiết kiệm được lượng nước tưới rất lớn, việc chuyển sang cây trồng cạn đã giảm được 25 - 60% lượng nước tưới so với sản xuất lúa, hạn chế việc khai thác nước ngầm; lượng nước tiết kiệm có thể sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt, nước uống cho gia súc và dự trữ, điều tiết cho sản xuất các vụ tiếp theo. Đây là con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh Ninh Thuận luôn thiếu nước sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Chúng tôi xác định một số loại cây trồng chuyển đổi bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân như: nho, táo, măng tây, cỏ chăn nuôi, bắp lai, đậu xanh, bưởi da xanh... và đã hình thành một số vùng chuyên canh, cùng với đó là xây dựng các chuỗi liên kết có sự tham gia của nhà khoa học, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Nhờ vậy, việc chuyển đổi được bà con nông dân đồng tình ủng hộ.
(Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận).
Để người dân đồng thuận
Để người dân đồng thuận thì ngành Nông nghiệp có những giải pháp gì?
Chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể sau đây: Thứ nhất, đối với các địa phương trên cơ sở Nghị quyết số 09-NQ/TU, chỉ tiêu UBND tỉnh giao; hàng năm các địa phương phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tuyên truyền để người dân nắm ý nghĩa và tầm quan trọng chuyển đổi.
Rà soát, xác định mục tiêu, đối tượng cây trồng, vùng chuyển đổi; khả năng liên kết doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp với định hướng, quy hoạch sản xuất nhằm chuyển đổi lâu dài, bền vững nhất là cây ăn quả.
Thứ hai, đối với ngành nông nghiệp chúng tôi có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tổ chức rà soát, tư vấn, xác định quy mô, đối tượng cây trồng cần chuyển đổi từng vụ; tổng hợp, tham mưu đề xuất UBND tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện; đồng thời tổng hợp, đánh giá kết quả, báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời, đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu của Nghị quyết Tỉnh Ủy đề ra.
Tiếp tục duy trì các lớp tập huấn, hướng dẫn cho nông dân sản xuất các loại cây trồng chuyển đổi. Xây dựng, nhân rộng mô hình, tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, thiết bị phù hợp trên địa bàn các huyện để có cơ sở đưa vào cơ cấu cây trồng của tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát giống cây trồng đảm bảo chất lượng để hỗ trợ người dân yên tâm sản xuất hiệu quả, bền vững. Hướng dẫn nông dân sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV đúng kỹ thuật, đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, tỉnh cần có những chính sách ưu đãi để kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với người dân, tham gia liên kết hỗ trợ vốn, vật tư cần thiết để người dân có điều kiện đầu tư vào sản xuất, đồng thời thu mua sản phẩm cho nông dân trên tinh thần hợp tác lâu dài hai bên cùng có lợi.
Tóm lại, để thực hiện tốt công tác chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân thì cần sự vào cuộc hết sức quyết liệt của cả hệ thống chính trị, để cho người dân biết, nhìn thấy và làm theo.