Chi 989 triệu USD chỉ để nhập thuốc bảo vệ thực vật
22/10/2018 | Tác giả: BTV
Theo Chủ tịch Tổng hội NNPTNT Hồ Xuân Hùng, Việt Nam đang là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều và khó kiểm soát.
Việt Nam đang tuyên truyền để nông dân hướng tới sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật sinh học an toàn cho cây trồng và môi trường. Ảnh: PV
Lý do chính của việc “vung tay quá trán” này là bởi nông dân chúng ta đã “nghiện”, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo thống kê, năm 2017, Việt Nam chi tới 989 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 36,4% so với năm 2016. Trong 9 tháng năm 2018, tuy lượng nhập thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu có giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng Việt Nam vẫn chi tới 681 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này.
Ở mức báo động
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, nguồn nhập thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu là từ Trung Quốc. Số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập về năm 2017 chiếm tới 52,6% tổng giá trị của mặt hàng này; 9 tháng năm 2018 cũng chiếm tới gần 50%. Trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc.
Trong số này, phân từng loại thì thuốc trừ cỏ chiếm 48% (19.000 tấn), thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng khoảng 900 tấn. So sánh số liệu cho thấy, mặt hàng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên mọi đối tượng cây trồng, trong đó dùng trên lúa là nhiều nhất.
Chỉ tính riêng trên cây lúa đã có tới 3.321 loại thuốc bảo vệ thực vật; đối với rau cũng có 260 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật. Các loại cây lấy quả như điều, hồ tiêu, cà phê cũng phải chịu tới hàng chục loại thuốc bảo vệ thực vật/giống cây.
Tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật - Định hướng và lộ trình thực hiện” tổ chức sáng 18.10, các chuyên gia trong ngành đều thừa nhận tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng đang ở mức báo động; một số nơi, người nông dân “nghiện” sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, “nghiện” sử dụng phân hóa học.
Cần loại bỏ toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật độc hại
Mặc dù thuốc bảo vệ thực vật là một loại vật tư quan trọng không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng, bảo vệ sản xuất trong nông nghiệp và gần như 100% các quốc gia trên thế giới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch bệnh, tuy nhiên, bởi sự lạm dụng quá mức hóa chất bảo vệ thực vật trong cây trồng, một thời gian, nông sản Việt gặp phải sự e ngại của người tiêu dùng. Đây cũng chính là rào cản khiến nông sản Việt Nam khó tiếp cận với thị trường các nước...
Theo các chuyên gia bảo vệ thực vật, bởi người dân quá tin tưởng, hay nói cách khác là “ỷ vào” thuốc bảo vệ thực vật, nên việc loại bỏ các loại thuốc độc hại, “công năng” thấp nhưng tác dụng phụ nhiều là hết sức cần thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân còn tùy tiện, kém hiểu biết và phụ thuộc hoàn toàn vào hướng dẫn của đại lý bán hàng. Trình độ chuyên môn của các đại lý thuốc bảo vệ thực vật còn yếu kém, thường chạy theo lợi nhuận, bất chấp hiệu quả xấu có thể gây ra.
Trong khi đó, một số nơi các cấp chính quyền còn phó mặc cho phía ngành bảo vệ thực vật. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) - ông Hoàng Trung thừa nhận, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật đã bộc lộ một số thách thức, cho phép đối tượng đăng ký thuốc bảo vệ thực vật quá rộng, quá trình gia hạn chưa thực sự rõ ràng, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm sinh học chưa đủ mạnh.
Thời gian tới, Cục bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khâu, giám sát quá trình khảo nghiệm để đảm bảo những sản phẩm được đưa vào danh mục đảm bảo chất lượng tốt, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Tháng 8.2018, Bộ NNPTNT đã có quyết định tiếp tục loại bỏ 4 hoạt chất (36 tên thương phẩm) ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, các hoạt chất gồm Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc phosphide. Trước đó, năm 2017, Bộ NNPTNT cũng đã tiến hành loại bỏ 7 hoạt chất khỏi danh mục. Như vậy, sẽ có 1.060 tên thương phẩm bị loại ra khỏi danh mục.