Cà phê 'chát' vì xuất tăng, thu giảm

Cà phê 'chát' vì xuất tăng, thu giảm

15/08/2018 | Tác giả: Admin


Cà phê 'chát' vì xuất tăng, thu giảm

Việt Nam là cường quốc xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, song hơn 90% là xuất dưới dạng thô, mỗi năm xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam chỉ được hưởng 1/20 trong chuỗi giá trị cà phê thế giới trị giá khoảng 500 tỷ USD. Vì vậy, để tăng giá trị hạt cà phê, việc làm cấp thiết là phải đầu tư vào rang xay, hòa tan và các sản phẩm chế biến khác.

Xuất thô nên khi thị trường cà phê thế giới biến động, ngành cà phê Việt luôn rơi vào tình cảnh lao đao. Theo Bản tin thị trường Nông lâm thủy sản của Bộ Công Thương cập nhật những ngày đầu tháng 8, giá cà phê nhân xô tại thị trường trong nước tiếp tục giảm 0,3 – 1,4% so với ngày 31/7 và giảm 1,1 – 2,3% so với cùng kỳ tháng 7.

"Lao đao" vì xuất thô

Ngày 10/8, cà phê Robusta có mức giá thấp nhất 34.400 đồng/ kg tại tỉnh Lâm Đồng, mức cao nhất 35.100 đồng/kg tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum. Tại các kho quanh khu vực Tp.HCM, cà phê Robusta loại R1 có mức giá 36.400 đồng/kg, ổn định so với ngày 31/7 nhưng giảm 1,9% so với cùng kỳ tháng 7.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 7 tháng năm 2018, xuất khẩu (XK) cà phê đạt 1,171 triệu tấn, trị giá 2,251 tỷ USD, tăng 12,4% về lượng nhưng giảm 4,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, giá XK bình quân mặt hàng cà phê tháng 7 ở mức 1.880 USD/tấn, giảm 1% so với tháng 6 và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 7 tháng năm 2018, giá XK bình quân cà phê ở mức 1.921 USD/tấn, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy giá cà phê giảm do dự báo sản xuất cà phê tại các quốc gia XK lớn thuận lợi (triển vọng vụ mùa mới năm nay của Brazil sẽ đạt hơn 60 triệu bao, kỷ lục chưa từng có) khiến cung cà phê toàn cầu sẽ dư nhẹ so với tiêu thụ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng toàn cầu niên vụ cà phê 2018/2019 sẽ đạt 171,2 triệu bao (bao 60kg) trong khi tiêu thụ cùng kỳ chỉ ở mức 163,2 triệu bao.

Hiện nay, sản phẩm cà phê của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô do yếu kém trong khâu chế biến. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Kiết (Đăk Lăk), việc chế biến cà phê của các thành viên HTX còn phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết nên sản phẩm chất lượng chưa cao, đồng thời sản xuất chủ yếu theo truyền thống, diện tích sản xuất manh mún.

Bà Hoàng Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kinh doanh Xuất nhập khẩu – công ty TNHH IDD Việt Nam, chia sẻ đến nay, DN này vẫn chủ yếu XK sang một số thị trường châu Á vì sản phẩm chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các thị trường khó tính đưa ra.

Hiện nay, công ty IDD Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn ISO (tiêu chuẩn hóa quốc tế) và tiêu chuẩn HACCP (hệ thống quản lý mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua nhận biết mối nguy cơ), nhưng do không có tiêu chuẩn hữu cơ (Organic) nên không thể xuất sang EU, Mỹ…

"Để đáp ứng được cần phải kiểm soát cà phê ngay từ công đoạn đầu tiên là gieo hạt, quả cà phê tươi, chế biến rang xay tới thành phẩm, nhưng chúng tôi vẫn chưa kiểm soát được quy trình trồng trọt", bà Tâm chia sẻ.

Hơn thế, công nghệ chế biến rang xay cà phê ở các thị trường khó tính rất phát triển, nên họ có nhu cầu nhập khẩu cà phê thô với giá rẻ hơn là cà phê đã chế biến. Đây là điểm bất lợi, rào cản đối với các DN Việt Nam trong việc nâng cao giá trị XK.
Cần Quỹ phát triển cà phê

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết mỗi năm cà phê nhân chỉ được hưởng 1/20 trong chuỗi giá trị cà phê thế giới khoảng 500 tỷ USD. Vì vậy, để tăng giá trị hạt cà phê, dù khó khăn, ngành này vẫn phải đầu tư vào rang xay, hòa tan và các sản phẩm chế biến khác.

Trong đó, Bộ NN&PTNT cần rà soát và tăng diện tích trồng cà phê chè (Arabica) ở những vùng thổ nhưỡng cho phép để tăng sản lượng cà phê chè giá trị cao và phối trộn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hiện nay, lượng cà phê chè để phối trộn phải nhập hàng vạn tấn từ các nước khác.

Cùng với đó, các ngân hàng cần bố trí nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn với lãi suất hợp lý và chi phí bảo lãnh các nguồn vay trung hạn để đầu tư vào rang xay và hòa tan.

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Thuận An – Đăk Nông, chia sẻ bên cạnh việc xuất thô các loại cà phê, HTX đang tiến hành để tung ra thị trường sản phẩm cà phê bột mang thương hiệu cà phê Đăk Đam. Tuy nhiên, để ra được sản phẩm trên, HTX phải có vốn để đầu tư máy rang xay cà phê hiện đại với công suất lớn.

Đại diện HTX tha thiết mong Nhà nước có chính sách cho vay vốn ưu đãi như cho vay mua đất trồng và chăm sóc cà phê theo hướng công nghệ cao có chứng nhận hàng hóa thực tế, hình thức cho vay thế chấp bằng đất mà HTX đang canh tác.

Để bán được cà phê giá cao, Vicofa kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành cà phê. Bộ NN&PTNT sớm ban hành sản phẩm quốc gia cà phê chất lượng cao, hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Cầu Đất, cà phê Sơn La.

Cùng với đó, theo ông Tự, ngoài 120.000ha cà phê già năng suất thấp đã có chương trình tái canh và đã ngừng, nay lại có thêm 100.000ha đến thời kỳ tái canh. Vicofa kiến nghị Chính phủ cho chủ trương tái canh là công việc thường xuyên khi cà phê đến tuổi phải tái canh.

Trước mắt cho tiếp tục thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân áp dụng VietGAP, 4C, và các chứng chỉ khác trong 40% diện tích còn lại. Hướng dẫn người nông dân hái chín 85%, đầu tư sân phơi và lưới phơi đảm bảo chất lượng cà phê nhân, cũng như tăng cường và mở rộng liên kết 4 nhà (Nhà nước, DN, nhà khoa học và nông dân) nhằm nâng cao giá trị cho ngành cà phê.

Về Quỹ phát triển ngành hàng cà phê, Vicofa mong muốn Bộ Tài chính phối hợp Bộ Tư pháp nghiên cứu cơ sở pháp lý, tham khảo kinh nghiệm của Brazil và Colombia sớm thành lập Quỹ nhằm phát triển ngành hàng cà phê bền vững.

Theo TBKD


Tags

Chia sẻ trên