Bước đi mới trong sản xuất nông nghiệp xanh từ rác thải sinh hoạt
21/09/2021 | Tác giả: Hải Yến
Dây chuyền nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao do RIAM phát triển được đánh giá cao trong ứng dụng thực tiễn.
Đáp ứng tốt các yêu cầu
Trong số 76 công trình, nghiên cứu được lựa chọn đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2021, các nhà khoa học đánh giá cao nghiên cứu dây chuyền thiết bị cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ nền sản xuất nông nghiệp xanh do PGS.TS Nguyễn Đình Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) - Bộ Công Thương và các cộng sự thực hiện.
Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2021 được hình thành dựa trên phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và một số Bộ, ngành phối hợp tổ chức tuyển chọn.
Hệ thống dây chuyền thiết bị cho nhà máy xử lý rác sinh hoạt của PGS.TS Nguyễn Đình Tùng và các cộng sự, bao gồm: Thiết bị phễu cấp liệu (rác đầu vào) có kết cấu “đặc thù” cho phù hợp với rác thải của Việt Nam; Thiết bị xé túi và sàng phân loại sơ chế và sàng phân loại tinh chế kiểu rô to/lồng quay; Thiết bị thiết bị tuyển từ (tách, lọc sắt); Hệ thống trộn có kết cấu đặc thù. Các thông số kỹ thuật của thiết bị được kiểm tra, đánh giá bằng phần mềm máy tính.
Thiết bị phễu cấp liệu (rác đầu vào) có kết cấu “đặc thù” cho phù hợp với rác thải của Việt Nam thể hiện ở một số đặc điểm như: Có độ ẩm lớn; Hình dạng phức tạp, không có hình dạng nhất định; Nguyên liệu là sự tổng hợp của các loại vật liệu từ vô cơ, hữu cơ, cành cây, đồ gỗ, bàn ghế, đồ nhựa, đệm mút, chăn chiếu... nên có cơ lý tính khác nhau; Kích thước dài, ngắn, to, nhỏ khác nhau; Trọng lượng nặng, nhẹ khác nhau…
Thiết bị xé túi và sàng phân loại sơ chế và sàng phân loại tinh chế kiểu rô to/lồng quay ngoài thực hiện chức năng của sàng là sàng phân loại lấy mùn hữu cơ, thì quan trọng hơn là còn có chức năng “xé túi”. Thiết bị tuyển từ (tách, lọc sắt) có vai trò tách, lọc sắt.
Do vậy, thiết bị cần tính toán xác định được các thông số kỹ thuật tối ưu ngoài ra còn lưu ý đến lực từ. Ở đây đã sử dụng phương pháp phần từ hữu hạn để tính toán lực từ.
Về hệ thống trộn có kết cấu đặc thù, hệ thống phù hợp đối với nguyên/vật liệu dạng bột, xốp tơi rời và nhẹ để khi trộn chất lượng tốt, độ đồng đều cao và linh hoạt.
Dây chuyền thiết bị cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao đã được ứng dụng vào sản xuất ở Công ty cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai cho thấy, chất lượng của dây chuyền thiết bị đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh
PGS.TS Nguyễn Đình Tùng cho biết, dây chuyền này được áp dụng vào thực tế sẽ tiết được khoảng 55 tỉ đồng so với hệ thống thiết bị nhập khẩu từ các nước châu Âu (Đức, Pháp) và tiết kiệm được khoảng 27 tỉ đồng so với hệ thống dây chuyền thiết bị nhập khẩu từ các nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản).
Các thiết bị trong dây chuyền đều được sản xuất từ trong nước nên mang tính đồng bộ cao, nâng cao khả năng tự chủ trong công nghệ.
Hơn thế nữa, nếu được áp dụng phổ rộng sẽ góp phần bảo vệ môi trường do có thể sử dụng nguồn hữu cơ từ rác thải sinh hoạt sau khi phân ly, tách ra được để sản xuất thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao.
Công trình góp phần tác động, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác trong nước cùng phát triển như ngành môi trường, phân bón, cơ khí chế tạo máy, ngành vật liệu... Góp phần nâng cao hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng trong xử lý, chế biến dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao cho cây trồng.
Đồng thời, góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững ngày một phát triển hơn ở Việt Nam trong tương lai.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/